Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP về phòng cháy, chữa cháy

Ngày 10/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
content:

Theo đó, Nghị định số 50/2024/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC)

So với ba nhóm đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC được quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Nghị định số 50/2024/NĐ-CP đã bỏ nhóm đối tượng “Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch”. Theo quy định pháp luật hiện hành, hai nhóm đối tượng thuộc thẩm duyệt thiết kế về PCCC bao gồm:

- Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau:

+ Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy;

+ Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn;

+ Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy;

+ Lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy;

+ Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình.

- Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy.

2. Quy định mới về danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

Nghị định số 50/2024/NĐ-CP đã bãi bỏ Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định về danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, và ban hành Phụ lục V thay thế. Trong đó, quy định về một số đối tượng như sau:

- Đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, cơ sở y tế: Bệnh viện cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích 3.000 m3 trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên;

- Đối với công trình sản xuất công nghiệp: Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên, hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên, hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích từ 15.000 m3 trở lên;

- Đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng: có khối tích từ 3.000 m3 trở lên.

3. Về hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:

- Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới:

+ Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06);

+ Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình;

+ Dự toán xây dựng công trình; hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

- Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh:

+ Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06);

+ Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng;

+ Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

- Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:

+ Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06);

+ Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện;

+ Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

- Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện.

4. Bổ sung, làm rõ thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

Nghị định số 50/2024/NĐ-CP bổ sung thêm hai phụ lục mới quy định chi tiết, làm rõ về các đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, cụ thể:

- Phụ lục Va: Danh mục dự án, công trình, thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Phụ lục Vb: Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục V, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và các dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va.

Nghị định số 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024./.

         

                                                                                Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Vinh

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

content:

Thời tiết