Một số điểm mới của Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra

Ngày 30/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.
content:

Nghị định gồm 9 Chương, 70 Điều. Đối tượng áp dụng Nghị định này là cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập và người làm công tác thanh tra nội bộ.

Một số điểm mới quy định tại Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 như sau:

Về bổ nhiệm, chuyển ngạch Thanh tra viên

Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên cao cấp. Trước đây, Bộ Nội vụ xem xét, bổ nhiệm công chức vào ngạch Thanh tra viên cao cấp; Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, bổ nhiệm sỹ quan Công an nhân dân, sỹ quan Quân đội nhân dân vào ngạch thanh tra viên cao cấp. Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên cao cấp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

Nghị định bổ sung quy định về xét nâng ngạch nâng ngạch Thanh tra viên đối với Thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các Điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 trong hai trường hợp:

Một là: có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận. Cụ thể, đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên lên ngạch Thanh tra viên chính: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên chính lên ngạch Thanh tra viên cao cấp: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Hai là: được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Căn cứ vào vị trí việc làm của cơ quan sử dụng Thanh tra viên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan sử dụng Thanh tra viên báo cáo cơ quan quản lý xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét nâng ngạch ngay sau khi Thanh tra viên đáp ứng quy định.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định điều kiện dự thi nâng ngạch Thanh tra viên. Đối với Thanh tra viên dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên chính, trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng, quản lý Thanh tra viên được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Đối với Thanh tra viên chính dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên cao cấp, trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên chính và tương đương đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng Thanh tra viên chính được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.

Về thanh tra lại

Nghị định quy định rõ ràng, chi tiết các nội dung về thanh tra lại tại Điều 18 đến Điều 24 , bao gồm: thẩm quyền thanh tra lại; căn cứ thanh tra lại; thời hạn thanh tra lại; trình tự, thủ tục thanh tra lại; quyết định thanh tra lại; nhiệm vụ, quyền hạn của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lại; nội dung của kết luận thanh tra lại.

Điều 19 quy định về căn cứ thanh tra lại như sau: (1) Khi có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung kết luận thanh tra như: Không xây dựng, gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; không thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; không kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; không có báo cáo kết quả của Đoàn thanh tra. (2) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra như: áp dụng không đúng quy định của pháp luật hoặc áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực dẫn đến sai lệch của kết luận thanh tra. (3) Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được dẫn đến đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính, chất mức độ của hành vi vi phạm. (4) Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc. (5) Cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra trước đó.

Thời hạn thanh tra lại không quá 45 ngày đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành và không quá 30 ngày đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành. Kết luận thanh tra lại có hiệu lực thi hành và thay thế kết luận thanh tra trước đó đối với nội dung được thanh tra lại.

Về đoàn thanh tra

Nghị định bổ sung quy định các trường hợp không được làm Phó Trưởng đoàn thanh tra. Người không được làm Phó Trưởng đoàn được quy định tương tự các trường hợp không được làm Trưởng đoàn thanh tra. Điều 32 Nghị định bổ sung quy định Thanh tra Bộ tổ chức in, phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra cho Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục và tương đương.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra. Người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra là Thanh tra viên của cơ quan thanh tra cấp dưới hoặc công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và không thuộc các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều 29.  Người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan trưng tập. Trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, người được trưng tập được hưởng các chế độ, chính sách của công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và được chi trả tiền công tác phí, bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác của thành viên của Đoàn thanh tra. Việc trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra được thực hiện bằng văn bản, ghi rõ căn cứ, thời gian trưng tập, nhiệm vụ và chế độ, chính sách đối với người được trưng tập. Khi kết thúc thời gian trưng tập, cơ quan trưng tập có văn bản nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập.

Về giám định trong hoạt động thanh tra

Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về trưng cầu giám định tại Điều 34 đến Điều 39 gồm: cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định; thời gian thực hiện giám định; kết luận giám định; điều kiện đảm bảo thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức giám định ngoài công lập thực hiện việc giám định theo yêu cầu của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền từ chối thực hiện giám định khi nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định phải thông báo cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối giám định.

Người ra quyết định thanh tra quyết định thời gian giám định, trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định. Kết luận giám định là một trong những căn cứ để cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kết luận về nội dung thanh tra. Hằng năm, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lập dự toán kinh phí trưng cầu giám định. Bộ Tài chính hướng dẫn về căn cứ xác định thù lao giám định và việc chi trả thù lao giám định.

Về phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra

Điều 40 Nghị định quy định cụ thể về căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra là khi đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Các dấu hiệu tẩu tán tài sản bao gồm: Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản.

Nghị định cũng quy định về quyền yêu cầu, trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản; trách nhiệm của các bên cung cấp thông tin phục vụ việc phong tỏa tài khoản; thủ tục yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản; trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản; hủy quyết định phong tỏa tài khoản.

Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất do hành vi trái pháp luật gây ra

Khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm hoặc đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình hoặc chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép thì người ra người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra.

Các tài sản này được xử lý như sau: Đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra; Đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật có liên quan; Đối với tài sản là động sản và giấy tờ có giá trị thì căn cứ vào tình hình thực tế, người ra quyết định thanh tra giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn nghiệp vụ để quản lý; Đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực bảo quản hàng hóa có yêu cầu đặc biệt để quản lý. Kinh phí quản lý tài sản do cơ quan thanh tra chi trả từ ngân sách nhà nước.

Về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra

Việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra quy định tại khoản 2 Điều 53, trong đó hoạt động đôn đốc được thực hiện bằng hình thức gửi văn bản đến với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Như vậy, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 không quy định hoạt động đôn đốc tiến hành bằng hình thức làm việc trực tiếp với đối tượng đôn đốc như khoản 1 Điều 23 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Theo đó, kể từ ngày ký quyết định kiểm tra, chậm nhất là 10 ngày người có nhiệm vụ kiểm tra phải tiến hành kiểm tra. Thời hạn kiểm tra tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày đối tượng kiểm tra nhận được quyết định kiểm tra. Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ trưởng cơ quan thanh tra. Trường hợp kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không có khả năng để thực hiện thì người ra quyết định thanh tra báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định.

Về giải quyết kiến nghị, phản ánh

Nghị định đã cụ thể hóa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra tại Điều 96 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022.

Về thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra. Người có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết có văn bản trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị phản ánh. Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc tại là 05 ngày làm việc; thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi bị nghiêm cấm là 15 ngày.

Về thẩm quyền giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra. Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 trong quá trình xử lý kết luận thanh tra. Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị của cơ quan tiến hành thanh tra trong quá trình xử lý kết luận thanh tra.

Trình tự, thủ tục giải quyết quy định như sau: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra đến người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân có kiến nghị.

Trường hợp yêu cầu, kiến nghị đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 (thanh tra lại) của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 và Điều 19 (căn cứ thanh tra lại) Nghị định này thì xử lý như sau: Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan thanh tra có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra hoặc thanh tra lại; Thủ trưởng cơ quan đã tiến hành thanh tra kiến nghị cơ quan thanh tra cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra lại.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Xem chi tiết nội dung Nghị định số 43/2023/NĐ-CP tại đây./.

                                                  Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Vinh

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

content:

Thời tiết