Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11); Định hướng sinh hoạt Ngày Pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tháng 11/2023

Để thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm 2023; đồng thời thực hiện tốt nội dung sinh hoạt Ngày pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tháng 11/2023; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Vinh định hướng một số nội dung pháp luật cần tuyên truyền, phổ biến để các phòng, ngành, đơn vị, đoàn thể Thành phố, UBND các phường, xã lựa chọn nội dung, hình thức tiến hành hưởng ứng Ngày Pháp luật (9/11) kết hợp sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng phù hợp và thiết thực.
content:

I. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11), góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.

Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.

Ở nước ta, ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội.

Ngày Pháp luật với nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam thì không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”./.

II. VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI

1. Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (có hiệu lực kể từ ngày 10/11/2023).

2. Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023 (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023); quy định: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Chính sách này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Lưu ý: Không thực hiện giảm tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

3. Thông tư số 06/2023/TT-BNNPTNT ngày 12/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2023).

4. Thông tư số 19/2023/TT-BKHCN ngày 20/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 05/11/2023).

5. Thông tư số 61/2023/TT-BTC ngày 28/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2023); quy định:

STT

Nội dung

Mức thu

1

Phí đăng ký giao dịch bảo đảm

 

a

Đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm

80.000 đồng/hồ sơ

b

Đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký

60.000 đồng/hồ sơ

c

Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi thông báo xử lý tài sản bảo đảm

30.000 đồng/hồ sơ

(Giảm 40.000 đồng/hồ sơ)

d

Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm

20.000 đồng/hồ sơ

đ

Cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm

25.000 đồng/trường hợp

(Giảm 5.000 đồng/hồ sơ)

2

Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ chứng khoản đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm

30.000 đồng/hồ sơ

3

Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm

 

a

Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu một lần

 

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản

10.000 đồng/lần

(Bổ sung mới)

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu

2.000 đồng/giao dịch

(Bổ sung mới)

b

Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu thường xuyên

 

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản

- 300.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số trước ngày 01/7 hằng năm.

- 150.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số từ ngày 01/7 hằng năm.

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu

2.000 đồng/giao dịch

(Bổ sung mới)

6. Thông tư số 45/2023/TT-BCA ngày 29/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cung cấp thông tin của lực lượng Công an nhân dân trên môi trường mạng (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2023); quy định:

Bộ Công an phải cung cấp các thông tin sau đây trên môi trường mạng, bao gồm:

- Thông tin chỉ đạo, điều hành, hoạt động của lãnh đạo Bộ Công an.

- Tình hình, kết quả các mặt công tác công an. Nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí của Người phát ngôn Bộ Công an, Người được ủy quyền phát ngôn về các vấn đề liên quan đến công tác công an mà dư luận xã hội quan tâm.

- Thông tin về các vụ án, vụ việc đang được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh mà xét thấy việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng là cần thiết.

- Nội dung Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri.

- Lịch tiếp công dân của lãnh đạo Bộ Công an.

- Thông tin đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch về Đảng, nhà nước, ngành Công an và công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

- Điểm tin Interpol.

- Thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm.

- Thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

- Các thông tin chuyên đề: Cảnh báo tội phạm; hướng dẫn tố giác tội phạm; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng pháp luật; các điển hình tiên tiến, hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt, gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an và các chuyên đề tuyên truyền khác.

- Thông tin về các dịch vụ công trực tuyến Bộ Công an đang triển khai thực hiện;

- Các thông tin khác do lãnh đạo Bộ Công an hoặc Chánh Văn phòng Bộ Công an quyết định.

7. Thông tư số 08/2023/TT-BTP ngày 02/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023).

8. Thông tư số 06/2023/TT-BTP ngày 18/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023).

9. Thông tư số 08/2023/TT-BNNPTNT ngày 02/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023).

10. Thông tư số 08/2023/TT-BXD ngày 03/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023).

11. Thông tư số 10/2023/TT-BTNMT ngày 29/9/2023 của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023).

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

content:

Thời tiết