Phục tráng giống hồng không hạt, giòn ngọt nức tiếng ở thành Vinh
ptth Admin
đã hiệu chỉnh 17 giờ trước đây.
Xem với cỡ chữ
Đọc
Loại hồng không hạt ở Nghi Ân, Nghi Đức (TP Vinh) được coi là đặc sản nức
tiếng giòn ngọt, song đang đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ”, cần sớm được
phục tráng…
content:
Loại hồng không hạt ở Nghi Ân, Nghi Đức (TP Vinh) được coi là đặc sản nức tiếng giòn ngọt, song đang đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ”, cần sớm được phục tráng…
Không rõ từ lúc nào, giống hồng giòn không hạt du nhập vào các xã Nghi Ân, Nghi Đức, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn của bà con nơi đây. Hiện, cây hồng lâu năm nhất trong vườn nhà dân cũng lên đến 45-50 tuổi.
Ông Phan Văn Hải, một người cao tuổi ở xã Nghi Đức cho biết: “Cũng không rõ ai là người mang giống hồng không hạt này về trồng. Chỉ nhớ rằng, quãng những năm 1990 trở đi, vườn nhà nào ở Nghi Ân, Nghi Đức cũng có 5-10 gốc hồng, nhà nhiều thì lên tận 40-50 cây. Thức quả này ban đầu trồng ăn chơi, sau thành hàng hoá, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân 2 địa bàn ngoại thành này”.
Giống hồng ở Nghi Ân, Nghi Đức là loại hồng không hạt, đầu quả vuông và thuôn dài, mặt cắt ngang hình hoa thị 8 cánh đều nhau. Bà con thường thu hoạch khi vỏ quả đã ngả vàng, thịt quả mịn, có hạt cát đường vàng cam.
Sau khi hái từ cây xuống thì ngâm vào nước lã với thời gian 3 ngày, 2 đêm, vớt ra để ráo nước là ăn được.
“Thời điểm nhiều nhất trong vườn có độ 15 gốc hồng, mỗi gốc sai nhất cho 2 – 2,5 tạ quả, giá bán thời điểm đó là 25.000-30.000 đồng/kg, mỗi năm, 15 gốc hồng cho thu nhập 50-60 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Hương, một hộ dân ở xã Nghi Ân cho biết.
Theo các hộ trồng hồng ở Nghi Ân, Nghi Đức thì loại hồng này trồng 4 năm thì cho quả bói, sau 10 năm mới cho năng suất cao. Ưu điểm của cây hồng không hạt này là quả to, 10 - 12 quả là được 1kg, thơm ngon, giòn, ngọt và cây ít sâu bệnh, cũng không cầu kỳ trong chăm sóc. Quả hồng chín dễ bảo quản, vận chuyển được xa mà vẫn đảm bảo độ tươi ngon, không bị bầm dập, hư hỏng. Đặc biệt, mẫu mã quả rất đẹp.
Tuy nhiên, theo thời gian, “làng lên phố”, diện tích đất vườn bị thu hẹp, cây hồng vì thế cũng bị đốn bỏ nhường chỗ làm nhà cửa, công trình khác. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích hồng không hạt ở Nghi Ân và Nghi Đức còn khoảng 6ha phân bố rải rác trong các hộ dân. Nhà nhiều nhất cũng chỉ còn khoảng mươi cây, nhà ít thì 1-2 cây.
Gia đình ông Nguyễn Duy Thuận (xóm Kim Bình, xã Nghi Ân) trước có cả chục gốc hồng nhưng nay chỉ còn lại 3 gốc do phải chặt bỏ làm nhà ở. “3 gốc hồng này, gốc ít nhất cũng đã 20 năm tuổi, gốc lớn nhất gần 40 năm tuổi. Giờ hồng không hạt Nghi Ân trở nên quý hiếm bởi số lượng không còn nhiều.
Như vụ hồng năm nay, giá bán lên đến 75-80.000 đồng/kg nhưng vẫn không có để cung ứng ra thị trường. Hầu hết, hồng chỉ đủ phục vụ nhu cầu làm quà biếu cho con em xa quê ở địa phương, còn bán ra thị trường rất ít”, ông Thuận cho biết.
Không chỉ bị thu hẹp diện tích mà cây hồng không hạt ở đây còn bị thoái hoá giống, sâu bệnh nhiều vì đã quá già cỗi. Ông Nguyễn Duy Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Ân cho biết: “Hiện, các cây hồng không hạt ở trong dân cũng ở độ tuổi 20-30 năm, có những cây đã 40 năm. Do đó, bị sâu bệnh, thoái hoá giống. Do đặc thù giống hồng không hạt nên việc nhân giống cũng gặp không ít khó khăn”.
Anh Thọ cho biết, trước đây, các cụ thường nhân giống bằng cách chắn rễ, để rễ cây hồng mọc mầm rồi đem ươm thành cây con. Nhưng phương pháp này tỷ lệ thành công không cao, cây hồng sinh trưởng chậm và năng suất thấp.
Bắt đầu từ năm 2024, với sự hỗ trợ của Trung tâm giống cây trồng Bắc Trung bộ, Sở Khoa học và Công nghệ, phòng Kinh tế TP. Vinh và tâm huyết phục tráng giống hồng địa phương, ông Nguyễn Duy Thọ đã nhân giống thành công giống hồng không hạt bằng phương pháp ghép mắt.
Theo đó, mắt ghép được lấy từ các cây hồng ưu tú được tuyển chọn, ghép vào cây hồng con khác. Hiện, vườn ươm 1.000 cây hồng dài không hạt đang phát triển tốt, cung ứng giống cho bà con trong vùng và các địa phương khác để mở rộng diện tích.
“Giống hồng dài không hạt Nghi Ân ngon đặc trưng, phù hợp với thổ nhưỡng ở nhiều vùng miền khác nhau. Thời gian tôi công tác ở Nghĩa Đàn đã đưa giống hồng này lên trồng trên đó, sản lượng tốt, chất lượng quả không thua kém hồng trồng tại địa phương”, ông Thuận, bộ đội về hưu cho biết.
Hiện, người dân địa phương rất mong muốn phục tráng giống hồng và nâng tầm thương hiệu hồng không hạt. Bởi đó không chỉ là cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế mà còn là một đặc sản nức tiếng của địa phương…