Phác thảo vùng di tích lịch sử văn hoá Trường Thi - Bến Thuỷ

Kỳ II: Những người tâm huyết
content:

Kỳ II: Những người tâm huyết         
                                                Bút ký lịch sử của nhà văn Đào Thắng

                                                                    (Tiếp theo kỳ trước)

Vào trong sân ga nghe thấy tiếng phát thanh viên quen thuộc :

- Hành khách đi tầu tốc hành Nghệ An I chú ý, tầu nghệ An I đỗ tại đường sắt số 5. Sắp đến giờ tầu khởi hành. Hành khách xem lại vé tầu, xem lại số toa, số ghế tránh nhầm lẫn, tránh phải vòng đi vòng lại nhiều lần trên sân ga

Tôi lại được nghe tiếng chân bước vội, có người chạy nghe tiếng thở gấp, những em nhỏ chạy theo người lớn, những người phụ nữ lễ mễ xách đồ. Chưa đến mùa du lịch, người đi tầu Nghệ An I phần đông là dân Vinh. Tôi lại được nghe giọng Vinh quen thuộc. Tôi đã đi hàng trăm lần trên những chuyến tầu Vinh - Hà Nội hành trình những 24 tiếng đồng hồ. Tầu muộn xuất phát từ Vinh lúc 22 giờ khuya. Cũng chỉ có chuyến ấy đi thẳng Hà Nội. Hành khách dồn cả vào chuyến tầu khuya chạy thâu đêm, thấu ngày : Khách từ chiến trường ra, bộ đội, thanh niên xung phong; người xứ Nghệ ra Hà nội thăm anh em con cháu; những tay thợ “Bắc Kỳ” vô, ra Vinh làm ăn. Bố, mẹ vào thăm con cháu, vợ vào với chồng, cả những cô gái đang yêu dám vào nhìn mặt những chàng trai lính đóng quân ở thành phố. Trên tầu đông nghẹt có khi phải đứng cả trong khoang vệ sinh. Tàu khuya mệt mỏi, ngả vào vai nhau mà ngủ. Mấy anh lính rải mảnh ni lông dưới gầm ghế ngồi, choài chân vào trong, quắp người ôm nhau ngủ vùi. Tôi thuộc vào loại người khó ngủ, khi mọi người đã mệt nhọc say giấc tôi ngồi ngóng ra bên ngoài. Hồi ấy chưa vào thời kỳ tệ hại trẻ con ném gạch đá lên tầu vỡ kính, vỡ mặt, vỡ đầu hành khách. Kính cửa sổ được đẩy lên, người nhô hẳn ra ngoài. Không hiểu sao mà đi trên những chuyến tầu khuya Vinh - Hà Nội rất hay gặp mảnh trăng lắt lẻo phía tây đoàn tầu. Từ Vinh ra Hà Nội gặp trăng. Từ Hà Nội về Vinh lại nhìn thấy trăng. Trăng non mỏng mảnh, mơ như mắt người thiếu nữ. Nửa trăng già cong như một con thuyền cổ tròng trành, nghiêng ngả trôi về phía rạng đông, trăng lững lờ bên trên hàng bạch đàn cổ thụ, thân tróc vỏ trắng nõn. Càng về khuya càng nõn nà, tròn lẳn như thân người con gái. Tôi còn nhớ như in hàng bạch đàn nhìn từ ngoài vào, khi qua đền Cuông thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu vì tình yêu đã mất đầu vì kiếm thiêng của cha mình, và lần nào tôi cũng liên tưởng đến nàng Mỵ Châu trong đền đã hiện thành cả trăm cây bạch đàn con gái trong mùa trăng khuyết.

Đêm nay trong toa tầu hai tầng hiện đại có vẻ hầm hố, bậc lên, bậc xuống, tầng trên, tầng dưới, ghế mềm tôi không tìm thấy cái cảm hứng của đêm khuya lạnh. Chưa vào mùa du lịch Cửa Lò, và cũng có thể ô tô chở khách chạy trên đường như mắc cửi đã rút ruột mất hành khách đi tầu. Những người phụ nữ, những cháu nhỏ đã lo chỗ nằm trên hai xuất ghế liền nhau. Một nhân viên đừng tuổi đến gần, giọng Vinh:

- Trên kia có giường nằm, bác có cần chỗ nằm xin mời bác lên.

- Dạ, tôi ngồi ghế mềm thế này tốt quá rồi. Với lại tôi đang còn phải thức. Xin cảm ơn bác.

Ông nhìn tôi

- Đồng chí có phải bộ đội thời chống Mỹ, bây giờ về lại Vinh không ?

Tôi chột dạ.

- Sao bác biết tỏ vậy ?

- Tôi biết từ lúc đồng chí lên tầu bồn chồn không yên, lại liên tục nghe điện thoại. Còn đôi giầy nữa. Áo quần thường phục nhưng đôi giầy vẫn lính. Ông vẫn đứng nguyên tiếng nói hiền hậu.

- Có điện gọi nữa đó. Đồng chí nghe đi !

Điện thoại của anh Nguyễn Đăng Chế, nguyên trưởng phà Bến Thủy thời kỳ chiến tranh. Sinh năm 1942, tuổi 67, tuổi ta 68 giọng vẫn vang sông nước :

- Chú đấy hả. Bác Chế đây, mấy anh em Sỹ Hoa, Tam Tỉnh, Mai Hồ Ming ngồi với nhau mới giải tán. Mấy anh em mỗi người toả một mũi. Quân khu, tuyên giáo, cơ quan chức năng trong ngành. Chờ chú vô đến gặp các bác Thanh Đồng, Đậu Kỷ Luật, … Bác Nhâm hỏi mấy giờ chú về đến Vinh?

- Dạ năm giờ sáng hoặc hơn một chút.

- Rứa hả ? Vậy thì bác đưa xe máy đi đón chú.

Một chi tiết thú vị hôm anh Nguyễn Đăng Chế ra Hà Nội đến số 9 Nguyễn Đình Chiểu tìm tôi anh thông báo: Anh là sui gia (thông gia) với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Con trai anh, diễn viên đoàn kịch Công an lấy cháu Ly con gái đầu của Trọng Tạo. Anh khoe hồn nhiên : “Này thằng Đăng Điệp (Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp hiện là Phó Viện trưởng Viện Văn học) là em con chú tui. Còn tui cũng có nhiều thơ. Tí nữa đi uống bia đọc chú nghe ít bài”.

Anh đưa tôi bản phô tô một số tài liệu và bài viết về phà Bến Thủy và đơn vị công nhân phà của anh. Giọng nói trầm hẳn xuống:

- Tôn vinh Truông Bồn rồi. Mừng lắm, chừ phải nghĩ đến Bến Thủy chớ. Mình không khi nào có ý so kè giữa Bến thủy với Đồng Lộc hay Truông Bồn. Hai chỗ ấy đều xứng đáng cả. Mình chỉ nghĩ mìnhvà chú đều là dân giao thông, bảo vệ giao thông thời chiến tranh vào sống ra chết. Bao nhiêu người chết. bao nhiêu người đã hiến máu cho lịch sử thì lịch sử phải tôn trọng họ chớ !

Tôi động viên anh :

- Ta cứ kiên trì anh ạ. Nhiều người tâm huyết, tôn trọng lịch sử, tôn vinh những con người hi sinh để làm nên lịch sử, cả các đồng chí tối cao ở Trung ương, ở tỉnh, cả các bác, các anh đã nghỉ quản lý nhưng trái tim thì vẫn còn nóng bỏng.

Anh Nguyễn Đăng Chế chở tôi về nhà bằng xe máy. Anh mở khóa cổng nhẹ tay, nói nhỏ :

- Bà nhà tôi sợ muộn, gọi dậy sớm đi đón chú. Lại vào giường ôm cháu rồi. Thằng cháu 15 tháng gọi Nguyễn Trong Tạo là ông ngoại, gọi tui là ông nội. Hai đứa bàn nhau gửi về quê nhờ ông bà nuôi. Bọn chúng bận đi làm với đứa con gái bốn tuổi. Anh cười òa : với lại hắn (nó) là cháu đích tôn dòng họ nhà mình.

Ngồi sau yên xe máy tôi thầm cảm phục anh ở tay lái xe vững vàng, chắc chắn. Đúng là tay lái phà Bến Thủy. Và cảm phục ý thức nối dòng dõi cao của người dân xứ Nghệ. Ăn xong bát cháo lươn Vinh nóng bỏng, cay xé lưỡi xua tan mệt nhọc tôi nói to : “ Bây giờ em có thể theo bác chui vô ngôi nhà vĩ đại địa đạo trong lòng núi Quyết hay leo lên tận đỉnh 102 thăm lại trận địa đại đội 6 đoàn phòng thành”. Anh cười, hít hà :

- Chừ ta đi mô trước ?

Tôi ôm lấy tấm lưng còn rất chắc của anh.

- Xin bác cho em đúng lễ nghĩa. Bác cho em mua chút quà đến nhà bác Đậu Kỷ Luật, bác Thanh Đồng, bác Bùi Thúc Nhâm. Bác Nhâm là Trung đoàn trưởng khi em còn làm lính ôm lưng với phà nhà bác, còn bác Thanh Đồng là Tổng biên tập, bác Đậu Kỷ Luật là Phó Tổng Biên tập báo Quân khu Bốn, năm 1975 thống nhất xong em được gọi về báo. Sau này bác Đậu Kỷ Luật sang làm chủ nhiệm nhà văn hóa quân khu em lại coi mình là lính nhà văn hóa luôn. 

*

* *

Giám đốc thư viện Nghệ An Đào Tam Tỉnh đã đợi sẵn chúng tôi ở phòng làm việc. Đào Tam Tỉnh là giám đốc một cơ quan văn hoá lớn của tỉnh, anh thuộc hàng giám đốc trẻ. Anh tuổi Đinh Dậu (Anh sinh năm 1957) một nhà khảo cứu văn hoá. Anh tặng hai anh em tôi mấy quyển sách: Câu đối xứ Nghệ; Các nhà khoa bảng Nghệ An; v.v. anh là tác giả và đồng tác giả. Tam Tỉnh còn là một nhà sưu tầm tiền cổ và đồ gốm cổ nổi tiếng trong thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An. Các bậc cao niên ở đây đều có lời khen anh ở sự chững chạc, kiến thức sâu rộng và cái tâm sáng lành đối với các di tích lịch sử và văn hoá. Anh có quê gốc ở Hưng Yên nhưng từ thủa ông nội đã vào Vinh làm công chức rồi ở lại thành người Vinh. Ở Tam Tỉnh đã toát ra cái vẻ đặc chất xứ Nghệ, cái chất người Vinh. Ít nói, không ồn ào xã giao, da ngăm ngăm, cặp môi đầy đặn chân thực, đôi mắt đen trầm tĩnh, quyết đoán. Sau mấy câu tìm hiểu anh nói ngay :

- Thư viện tỉnh có bạn đọc cộng tác viên, có các bậc trí giả cao tuổi và có khá đông sinh viên trẻ tuổi đại học Vinh – Em mời anh nói chuyện với bạn đọc. Tôi cân nhắc :

- Tôi không ở được lâu, sợ mình chuẩn bị sơ sài khi nói có gì sơ xuất, có điều gì không phải với các cụ, các bác xứ Vinh ta.

- Anh cứ nói về cuộc chiến đấu ở Vinh - Bến Thuỷ và nói về cái điều anh em mình và nhiều bậc tâm huyết ở xứ Nghệ đang nung nấu.

Chúng tôi quyết định nhanh. Buổi thuyết trình sẽ là Cuộc chiến đấu bảo vệ Vinh - Bến Thuỷ và việc xây dựng Trường Thi - Bến Thuỷ thành Khu di tích lịch sử quốc gia

Anh Nguyễn Đăng Chế rất mừng, anh phác ra kế hoạch xin gặp anh Hoàng Xuân Lương Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An và các đồng chí bên Uỷ ban nhân dân tỉnh. Anh Lương vốn là cán bộ bộ đội biên phòng Nghệ An, biết rõ Vinh thời kỳ Vinh được đặt cho biệt danh : “Thành phố trụi”với địa đạo nổi núi Quyết. Anh đã đi trong cái địa đạo không phải đào sâu trong long đất mà phải gọi là thạch đạo khoét trong lòng núi Quyết. Anh Chế điện xin gặp giám đốc sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tổng biên tập tạp chí Văn hoá Nghệ An và Tạp chí Sông Lam nói chuyện với Tổng biên tập Nguyễn Thị Phước. Sau cùng chúng tôi với nhà báo Mai Hồ Minh đi thực tế trở lại phà Bến Thuỷ.

Mấy chiếc xe máy khoá lại để ngay đầu cây cầu Bến Thuỷ to đẹp, hiện đại, cái gạch nối mạnh mẽ giữa hai bờ dòng sông một thời rực lửa đạn bom. Chúng tôi vào sâu vùng rậm rạp cây cỏ. Không còn dấu tích một bến phà. Nhóm tượng Công - Nông gần cột điện treo cở đảng năm 1930 nhỏ, bé, cũ bạc đặt trên dải cát nền thấp hẳn so với mặt con đường xuyên việt bên cầu qua sông Lam. Có cái gì tồi tội, buồn đau ở trong tôi. Cái trạm thu phí này to quá so với nhóm tượng - một biểu tượng của Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 - 1931. chúng tôi chưa tìm ra vết tích đường hào đi vào địa đạo núi Quyết là “ngôi nhà vĩ đại” của 300 anh em công nhân phà Bến Thuỷ bám trụ để ban đêm ra bến phà. Anh Chế nói át tiếng gió :

- Chỗ đụn cát kia là đầu phà I, nơi mố đầu cầu Bến Thuỷ là phà III. Tí nữa trở lại đầu cầu tôi sẽ chỉ lại cho các chú bến phà V

Bến phà V là vị trí trận địa đại đội 8 pháo 37 ly của tôi chốt mấy tháng ròng cuối cuộc ném bom hạn chế của máy bay Mỹ năm 1968.

Tôi không nhìn thấy nhánh đường tầu hoả ra cảng. chiếc tầu hải quân bị máy bay Mỹ đánh lật nghiêng ngày mùng 5 tháng 8 năm 1964 không còn nữa, có lẽ nó đã bị xẻ thịt bán sắt vụn. Lòng tôi rưng rưng. Chỗ kia là vị trí trận địa đại đội 3 pháo 57 ly. Kia nữa là cửa hàng ăn uống Bến Thuỷ của anh hùng Hoàng Thị Liên, chếch sang đường có vị trí trận địa đại đội 6 pháo 57 ly. Anh Chế lại nói to : Núi Cơm ở vị trí bên phải cầu. Trong nớ có hang công binh, anh em công nhân phà bầy tui trụ ở đầu phà phía nam trú, ở trong nớ.

- Vâng Núi Cơm. Đại đội 9 đại đội 10 của trung đoàn chúng tôi chốt ở đó. Đại đội 10 bị mất toàn bộ sở chỉ huy và gần hết pháo thủ trên trận địa chân núi cơm đó anh ạ. Anh Chế nói với mấy anh em chúng tôi :

- Tui biết, không có bộ đội phòng không thì bầy tui hoàn thành nhiệm vụ răng được. Máy bay, pháo hạm Mỹ nó vò nát chúng ta thành cám.

Nói rồi anh lại kéo chúng tôi đi. Tôi đã nghe kể nhiều chuyện về anh và mấy chục công nhân phà xứng đáng được phong anh hùng. Nhưng thôi để phần sau hãy viết. Anh cao lớn, tráng kiện đi phía trước. Anh chỉ tay :

- Ngành giao thông đã có dự án xây dựng tiếp cây cầu Bến thuỷ thứ hai phía bên kia núi Quyết. Vị trí xây dựng cầu gần trúng với vị trí năm xưa người Pháp định bắc cầu Bến Thuỷ, tiếc là chưa thành. Có lẽ công nghệ hồi đó chưa cho phép. Còn bây giờ với năng lực, thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến của ngành giao thông vận tải có khi chỉ cần ba năm là dựng xong cây cầu mới này thôi

Anh tiến lên phía trước đi một mình đến gần đống cát cao mà anh nói là đầu bến, có phà I (bến chính) từ đó có lối vào công ty công trình giao thông 47. Tần ngần một lát anh quay lại đi đến bên nắm tay tôi.

- Đã có đêm tôi, thủ trưởng phà Bến Thuỷ ngồi ôm quan tài và thân xác tám anh em công nhân hi sinh từ bẩy giờ tối (19 giờ) đến mười hai giờ đêm (24 giờ) mà không chôn được. Chôn xuống, bom hắn lại đưa lên, có lúc bom nổ tôi phải nằm úp lên quan tài che cho anh em. Chú viết gì thì viết, tôi chỉ đề nghị chú nói rõ cho điều ni : “Bây giờ phà Bến Thuỷ không còn, anh em cũ thuộc ba bốn đơn vị như rắn không có đầu. Tôi đây trưởng bến phà trong mười năm đến nay đứng ra làm tờ trình gửi quân khu , gửi tỉnh, gửi Bộ Giao thông - Vận tải xin cho anh em gặp gỡ sau bốn mươi năm mà không sao tổ chức nổi. Nhờ chú viết giúp tôi lên báo : Chúng tôi kêu ai, dựa vào ai để gặp nhau rồi rồi sau nớ lìa cõi đời cũng an lòng ! …

Vâng ! Thưa anh Nguyễn Đăng Chế một con người tâm huyết với Bến Thuỷ trong nhiều người tâm huyết. Tôi ghi vài dòng vào đây lời đề nghị của anh để kết thúc phần viết này …

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

content:

Thời tiết