Thành phố Vinh - diện mạo mới của đô thị trung tâm
Quản trị Thành phố Vinh
đã hiệu chỉnh 11 Các tháng trước đây.
Xem với cỡ chữ
Đọc
content:
Đến nay, thành phố Vinh (Nghệ An) đã có tầm vóc của đô thị trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, hứa hẹn bước phát triển mới sau chặng đường 60 năm (10.10.1963- 10.10.2023).
Diện mạo mới của đô thị trung tâm
Vinh - Bến Thủy là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam từ trước 1945. Ngày 10.10.1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/CP thành lập thành phố Vinh, gồm 3 xã Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Thủy. Vinh lúc này được coi là 1 trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất miền Trung Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1788, hoàng đế Quang Trung đã chọn khu vực núi Dũng Quyết (nay là phường Trung Đô, TP Vinh) để xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Đây là dấu mốc lịch sử cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của đô thị Vinh đối với đất nước Việt Nam. Vào dịp tháng 10 năm nay, thành phố Vinh long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố và 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh.
Sau 60 năm, từ 3 xã ban đầu, đến nay thành phố Vinh đã có 16 phường và 9 xã, với diện tích 104,97km2, dân số khoảng 500.000 người. Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Nghệ An và đã được Chính phủ quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ.
Diện mạo của thành phố Vinh ngày càng trở nên hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa xứ Nghệ và văn hóa Việt Nam. Trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành nhiều khu đô thị mới như: Vinh Tân, Nghi Phú, Đại Thành - Nghi Kim, Đường 72m Vinh, Tây Đại lộ VI Lenin... Nhiều công trình văn hóa - thể thao lớn như Quảng trường Hồ Chí Minh, Quần thể di tích thắng cảnh Lâm Viên núi Dũng Quyết, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Công viên Trung tâm, Nhà văn hóa Lao động, Công viên Nguyễn Tất Thành, Thư viện tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4 và nhiều công trình văn hóa khác như: Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt - Đức; Nhà hát Dân ca Nghệ An - Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca Xứ Nghệ; Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV; Trung tâm Điện ảnh Bắc Trung Bộ… phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân và du khách.
Về giáo dục và y tế, TP Vinh đã có 6 trường đại học, 13 trường cao đẳng và nhiều phân hiệu, cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề và hàng trăm trường học từ bậc học phổ thông tới ngành học mầm non, 24 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa với trình độ ngày càng nâng cao, trở thành trung tâm của khu vực.
Về kinh tế, trên địa bàn thành phố hiện có 7 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Nam Cấm, VSIP, Bắc Vinh; Cụm công nghiệp Nghi Phú, Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Thạch, khu công nghệ cao, dệt may - khai thác cảng Bến Thủy, sản xuất Vật liệu xây dựng Trung Đô.
Thành tựu phát triển mới
Những năm gần đây, tốc độ phát triển của thành phố Vinh ngày càng khởi sắc. Nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,84%, cao hơn mức bình quân của tỉnh (7,45%); trong đó ông nghiệp - xây dựng tăng 7,83%; dịch vụ tăng 8,02%.
Giá trị gia tăng bình quân người/năm tăng từ 101,2 triệu đồng năm 2020 lên 120,2 triệu đồng năm 2022, tăng bình quân 8,98%/năm giai đoạn 2020 - 2022.
Giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2022 theo giá so sánh đạt 29.154 tỉ đồng, tăng bình quân 9,03%/năm. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động, hệ thống bán buôn, bán lẻ, các cơ sở kinh doanh thương mại ngày càng nhiều. Sức mua và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, bình quân 14,75%/năm.
Tổng thu ngân sách thành phố quản lý tăng trưởng cao và tương đối ổn định, đến tháng 6.2023 ước đạt 7.237,4 tỉ đồng. Nhịp độ tăng thu bình quân hằng năm giai đoạn 2020 - 2022 đạt 12,94%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra 2% - 3%. Huy động đóng góp xây dựng hạ tầng đạt 74,8 tỉ đồng.
Thành phố chú trọng phát triển kinh tế đêm, thu hút du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng. Diện mạo đô thị Vinh ngày càng hiện đại. Công tác văn hóa - giáo dục - an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng cao.
“Kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh và 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, chúng tôi tự hào vì những kết quả đã đạt được trên các mặt phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo cho giáo dục, an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống nhân dân... nhưng cũng nhận thấy còn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, cùng với sự đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, thành phố Vinh sẽ có bước phát triển mới, thành tựu mới ở những năm tiếp theo”.Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND TP Vinh