Quảng trường Hồ Chí Minh - Công trình văn hóa giữa lòng thành phố Đỏ

content:

QUẢNG TRƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Công trình văn hóa giữa lòng thành phố Đỏ

           Thành phố Vinh được mệnh danh Thành phố Đỏ - cái tên gắn liền với truyền thống yêu nước và cách mạng, với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; là niềm tự hào của nhân dân thành phố, đây một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt nơi đã gắn liền với biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, cùng với hàng loạt các công trình kiến trúc, các di tích có ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng. Theo thống kê trên địa bàn thành phố Vinh có 80 di tích, danh thắng trong đó, có 25 di tích được xếp hạng, gồm 13 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, nhiều công trình văn hóa nổi bật. Ngoài ra, các di sản văn hóa vật thể ở Vinh còn lưu giữ được nhiều di sản phi vật thể đặc sắc như: Các lễ hội, tín ngưỡng dân gian, Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Đặc biệt, quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ là một trong những địa điểm sáng giá, đánh dấu nhiều bước tiến vĩ đại của dân tộc, nơi tưởng niệm một người con vĩ đại của Xứ Nghệ, danh nhân văn hóa thế giới chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tượng đài Bác Hồ

         

Ở nước ta trong những năm gần đây, nhiều đô thị được hình thành và đều dành quỹ không gian nhất định cho quảng trường. Nơi đây được xem như là biểu tượng, là hồn và không thể thiếu của đô thị hiện đại. Trên đất nước ta có nhiều Quảng trường nổi tiếng như: Quảng trường Ba Đình, Đông Kinh - Nghĩa Thục ( Hà Nội), Lâm viên (Đà Lạt), Ngọ Môn (Huế), Nghinh phong (Phú Yên), Hùng Vương (Bạc Liêu). Xứ Nghệ tự hào là quê hương của bậc vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên chính mảnh đất quê hương, tại trung tâm Thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã được xây dựng, xuất phát từ tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh nhà để tri ân, tưởng niệm Bác và phát huy, lan tỏa những giá trị di sản của Người cho tương lai. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là một công trình văn hóa - chính trị quan trọng của tỉnh, nằm ở vị trí trung tâm thành phố Vinh.

Toàn cảnh Quảng trường Hồ Chí Minh

Quảng trường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa lớn mang tầm cỡ quốc gia, mang ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con kiệt xuất của xứ Nghệ. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2000 và khánh thành vào ngày 19/5/2003, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 113 ngày sinh của Người, lưu giữ hình ảnh Người về thăm thành phố Vinh và quê hương Nghệ An 1957,1961. Lúc sinh thời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu nặng đối với quê hương, nơi có núi Hồng, sông Lam hiền hòa thơ mộng, với làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha. Mặc dù xa quê hơn nửa thế kỷ, đi nhiều nước trên thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, Bác vẫn giữ nguyên những thói quen sinh hoạt, giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp đã được hun đúc từ quê hương. Ước mong của Bác là được tận mắt thấy quê hương đổi mới và phát triển toàn diện về mọi mặt. Với quê hương Nghệ An, dù bôn ba khắp bốn biển năm châu, trải qua bao biến thiên của lịch sử, tình cảm và sự quan tâm của Bác giành cho quê hương vẫn luôn nồng ấm, xuất phát từ đáy lòng và được biểu hiện thành những hành động, lời nói cụ thể trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Những kỷ niệm trong những lần Bác về thăm quê hay những kỷ vật của Người giành tặng cho quê hương vẫn luôn được mỗi người dân quê hương khắc ghi, nâng niu, trân trọng. Muôn vàn tình yêu thương chứa đựng trong những lời căn dặn của Người đối với quê hương đến nay vẫn mang tính thực tiễn, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghệ An tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

          Quảng trường nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm của thành phố Vinh. Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ là một trong những công trình kiến trúc mang giá trị cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng. Đây là cách thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân Nghệ An nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung gửi đến Bác. Tổng khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh rộng gần 12ha, trong đó có các hạng mục chính: Lễ đài, đường hành lễ, sân hành lễ, sân bán nguyệt... Lễ đài nằm ở trung tâm Quảng trường, là nơi đặt tượng đài Bác Hồ. Tượng đài Bác cao 18m, trong đó phần đế cao 6m, phần tượng cao 12m. Tượng hướng về phía Đông Bắc, nơi có sông Lam - núi Hồng, xa hơn nữa là Biển Đông. Hình ảnh Bác Hồ được tái hiện với bộ quần áo kaki, chòm râu bạc, đôi dép cao su, dáng đi khoan thai, ung dung, toát lên sự giản dị và gần gũi.Tượng Bác dựa vào một quả núi nhân tạo mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê Bác. Núi được đắp hình chữ “Vương”, đỉnh cao nhất là 11m, có đường lên núi thuận tiện, trồng rất nhiều loại cây từ khắp mọi miền tổ quốc..

          Phía trước lễ đài là đường hành lễ dùng để diễu binh, diễu hành và duyệt binh trong các ngày lễ lớn.Tiếp theo là hạng mục sân hành lễ, gồm 99 ô thảm cỏ, với kích thước 9,8m x 9,8m mỗi ô. Những ô cỏ này tượng trưng cho 99 đỉnh của núi Hồng Lĩnh theo truyền thuyết, tạo nên một màu xanh tươi mát cho Quảng trường. Bao quanh sân hành lễ là những hàng dừa có nguồn gốc Nam Bộ, dáng trang nghiêm như những hàng tiêu binh. Về tổng thể, Quảng trường Hồ Chí Minh có không gian khoáng đạt với những đường nét kiến trúc gợi nhớ đến Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, nơi có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại Quảng trường Hồ Chí Minh đang tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung thêm nhiều hạng mục.

Từ khi được xây dựng, công trình là nơi gửi gắm ý tưởng, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An trên quê hương của Người có một công trình văn hóa - chính trị xứng tầm, với nhiều vai trò, chức năng. Nơi đây vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá - chính trị của tỉnh, thành phố hàng năm đón tiếp hàng trăm đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành và hàng triệu lượt nhân dân, du khách trong nước, quốc tế đến dâng hoa, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường còn là địa chỉ được các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh lựa chọn tham quan học tập, kết hợp với sinh hoạt chính trị, dâng hoa báo công với Người hoặc tổ chức các lễ nghi quan trọng cho học sinh, sinh viên. Tại Quảng trường Hồ Chí Minh, vào các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều trưng bày chuyên đề, triển lãm tranh cổ động tấm lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, góp phần lan toả, tuyên truyền sâu rộng hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào học tập, làm theo lời Bác.