Thành phố Vinh: Phấn đấu giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa của Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020
- content:
Thành phố Vinh là trung tâm chính trị kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Nghệ An, một tỉnh lớn nằm ở vùng Bắc Trung bộ, có vị trí ở phía Đông - Nam của tỉnh, phía Bắc và Đông giáp huyện Nghi Lộc, phía Nam giáp huyện Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp huyện Hưng Nguyên.
Vinh cách thủ đô Hà Nội 300km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.400 km về phía Nam, tổng diện tích tự nhiên là 104,96 km2, quy mô dân số là 435.208 người, gồm 16 phường và 9 xã.
Một góc thành phố Vinh
Vai trò chức năng và vị trí
Trong lịch sử phát triển, trải qua nhiều triều đại trị vì đất nước, nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, Vinh luôn được xác định là một thành phố trung tâm không những đối với tỉnh Nghệ An, mà cả khu vực Bắc Trung bộ và có tầm quốc gia trên nhiều lĩnh vực, có thể nêu một vài dấu mốc quan trọng: Vị trí đắc địa mà Vua Quang Trung đã chọn làm kinh đô từ 220 năm về trước chính là thành Phượng Hoàng Trung Đô thuộc thành phố Vinh; đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long cũng đã chọn Vinh để cho xây trấn thủ Nghệ An (nay gọi là Thành cổ Nghệ An); rồi khi thực dân Pháp đô hộ đất nước ta, người Pháp cũng đã cho xây dựng nơi đây nhiều cơ sở công nghiệp, hệ thống giao thông, các hãng buôn nổi tiếng, ... Vinh trở thành một đô thị công nghiệp tầm quốc gia; Định hướng Quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg đã xác định Vinh là trung tâm đô thị hóa vùng Bắc Trung bộ, một trong mười trung tâm của cả nước; đặc biệt Quyết định số 239/2005/QD-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa Vinh tiến thêm một tầm cao mới, với vai trò, vị trí tương xứng với vị thế mà Vinh có được: trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra trách nhiệm mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân thành phố Vinh. Để có thể xây dựng Vinh đạt vị trí trung tâm vùng, phải thấy rằng: tuy vẫn còn những khó khăn và hạn chế, nhưng Vinh có nhiều tiểm năng và lợi thế để xây dựng và phát triển.
Tiềm năng và lợi thế
Trước hết, về vị trí đô thị: Vinh được xác định là trung đô thị hoá vùng Bắc Trung bộ trong Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, Vinh được quy hoạch tương đối bài bản và khoa học, có thể tiếp cận một thành phố hiện đại, là đầu mối giao thông Quốc gia với đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không; Vinh có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế ở tầm quốc gia do nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây và vành đai kinh tế ven biển, nằm giữa hai trung tâm công nghiệp lớn: Nam Thanh -Bắc Nghệ và Thạch Khê - Vũng áng, nằm liền kề Khu kinh tế mới Đông Nam - Nghệ An, có nhiều thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ và cung ứng hàng hoá, đào tạo nguồn nhân lực...;
Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở Vinh diễn ra nhanh chóng: địa giới hành chính được mở mang, từ 13 phường nay tăng lên đến 16 phường, 5 xã tăng lên thành 9 xã; diện tích tự nhiên toàn thành phố từ 67.53 km2 tăng lên đến 104,96 km2 (tăng 1,6 lần) trong đó diện tích đô thị đạt gần 36 km2 . Quỹ đất cho phát triển đô thị Vinh đã được định hướng theo Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ: đến năm 2020, quy mô diện tích toàn thành phố sẽ lên trên 250 km2, theo đó thành phố và tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh xây dựng thành phố đến năm 2025. Như vậy quá trình đô thị hóa ở thành phố Vinh sẽ tiếp tục diễn ra nhanh chóng, khu vực đô thị sẽ bao gồm: đô thị Vinh hiện có, thị xã cửa lò, thị trấn Quán Hành (thuộc huyện Nghi Lộc hiện nay) và các khu vực đô thị mới theo quy hoạch. Vinh vừa được công nhận đô thị loại 1 tại Quyết định số 1210 ngày 5/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá sự vượt trội trong phát triển đô thị, đạt cơ bản các chỉ tiêu theo Nghị định 72 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị;
Việc mở rộng quy mô thành phố Vinh không phải chỉ dựa vào các khu vực “đất dự phòng” phát triển bình thường, mà vùng mở rộng phát triển ở đây là các khu vực đã có các đô thị trung tâm: thị trấn Quán Hành, thị trấn Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò, nên tiến trình đô thị hóa được “cộng hưởng”, liên kết các đô thị hiện có tạo thành các “trục phố” trung tâm lớn, các khu vực đô thị hóa được phân bổ hợp lý, không bị dồn nén. Mặt khác việc mở rộng thành phố với đường biên phía đông giáp biển sẽ tạo cho Vinh một diện mạo mới, phát huy thế mạnh kinh tế vùng biển và ven biển, một khu vực giàu tiềm năng.
Thứ hai, trong những năm qua, Vinh đã có bước phát triển nổi bật, thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – văn hoá: tổng đầu tư toàn xã hội tăng đáng kể theo thời gian, năm 2006: 3.065 tỷ đồng, năm 2008: trên 4.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Năm 2007 trên địa bàn: 1.355 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 1.264 USD (20,2 triệu đồng), tăng trưởng kinh tế 16,4%, nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm: 2003-2007: 13,7 %, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6 %, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao 97,3%... Đến nay, cơ sở hạ tầng đô thị Vinh đã được cải thiện rõ nét, hệ thống giao thông đô thị được tổ chức tương đối tốt, cơ cấu đất đai đô thị phân bổ hợp lý theo quy chuẩn xây dựng, hạ tầng kỹ thuật tuy chưa được hoàn chỉnh, nhiều mặt chưa đồng bộ nhưng được đánh giá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp, thương mại dịch vụ – du lịch và hỗ trợ tích cực cho kinh tế nông – ngư; một số lĩnh vực phát triển mạnh, đã khẳng định vị trí trung tâm vùng như: giáo dục - đào tạo, quốc phòng – an ninh, khoa học công nghệ, thương mại – du lịch – dịch vụ ...
Thứ ba, trong nền kinh tế của tỉnh, các chỉ tiêu kinh tế năm 2007 cho thấy Vinh là động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh: GDP thành phố chiếm 22%, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 27,4%, du lịch dịch vụ chiếm 36,3%, thu ngân sách trên địa bàn chiếm 44,8%, vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33,8%. Trong khu vực Bắc Trung bộ, Kinh tế Vinh có sự đóng góp với tỷ trọng đáng kể so sánh qua số liệu Bảng 1 và Bảng 2.
Hơn nữa, về văn hoá lịch sử: Vinh là trung tâm vùng đất giàu truyền thống lịch sử - cách mạng và là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Nghệ. Quê hương của các danh nhân văn hoá, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong đó nổi bật là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại thi hào Nguyễn Du; con người Vinh vốn cần cù trong lao động, chịu khó trong học tập và kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm; về an ninh – chính trị, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020
Quan điểm chung là: phát triển thành phố Vinh văn minh, hiện đại, có tầm nhìn xa. Giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa và đô thị hóa đối với tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ. Phát triển nhanh, dựa vào lợi thế của thành phố gắn với yêu cầu phát triển của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế và vùng. Đẩy mạnh quá trình hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế. Khai thác nội lực với việc tập trung đầu tư của tỉnh, Trung ương để xây dựng các công trình quy mô vùng và thu hút đầu tư từ các tỉnh, thành phố lớn và nước ngoài. Gắn phát triển kinh tế với chỉnh trang, mở rộng đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển cac lĩnh vực xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển phải trên quan điểm đổi mới mạnh mẽ để trong thời gian ngắn có thể tạo ra các bứt phá đi lên về kinh tế, đồng thời vẫn giữ được giá trị độc đáo về “thành phố văn hóa” có bản sắc riêng. Phát triển kinh tế song song với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, lấy hiệu quả kinh tế kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự an toàn xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất.
Mục tiêu phát triển:
- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP thành phố Vinh giai đoạn 2005 - 2010 đạt bình quân 14%/năm, giai đoạn 2010 - 2015 đạt 12,5%/năm, gaiai đoạn 2016 - 2020 đạt 12%/năm, đến năm 2020 tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 41,5%/năm GDP của tỉnh và chiếm 18,2% GDP của vùng Bắc Trung bộ;
- Đô thị Vinh được phát triển mở rộng gắn kết với vùng phụ cận; các đô thị cũ được cải tạo, chỉnh trang; các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Kiến trúc đô thị có bản sắc riêng của vùng; hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đáp ứng các chỉ tiêu đô thị loại 1 và đô thị trung tâm vùng;
- Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng toàn diện, phấn đấu đạt vị trí trung tâm vùng trên các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa - thể thao của thành phố Vinh, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người xứ Nghệ có sức lan tỏa ảnh hưởng lớn trong vùng.
Để chọn hướng đi phù hợp tình hình mới, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như sau:
Cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: giai đoạn đến năm 2010, thành phố xác định phát triển kinh tế theo cơ cấu: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp; giai đoạn sau năm 2010 cơ cấu kinh tế theo hướng: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp;
Công nghiệp: phát triển đa dạng các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu, lao động và thị trường. Hướng tới phát triển Vinh trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về một số ngành công nghiệp như: cơ khi phục vụ nông nghiệp, sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp phần mềm, công nghiệp công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp sạch;
Dịch vụ: xây dựng Vinh - Cửa Lò thành trung tâm thương mại lớn của vùng Bắc Trung bộ, đầu mối bán buôn, đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa cho tỉnh và vùng Bắc Trung bộ. Là nơi đặt các trung tâm giao dịch, xúc tiến thương mại, đầu mối thực hiện các hoạt động phục vụ thương mại của vùng; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn du lịch Vinh - Cửa Lò và Kim Liên với du lịch của vùng và du lịch cả nước. Xây dựng Vinh trở thành trung tâm lưu trú phân phối khách du lịch của Tỉnh và vùng Bắc Trung bộ;
Nông nghiệp: phát triển thành phố theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn và hiệu quả cao nhằm phục vụ dân cư đô thị, các khu công nghiệp;
Giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ: tạo điều kiện nâng cấp và tăng cường cơ sở vật chất, có chính sách thu hút đội ngũ giảng viên cho hệ thống các trường đào tạo tại Vinh với mục tiêu đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ đại học và sau đại học đa lĩnh vực cho khu vực; kêu gọi đầu tư của nước ngoài để mở phân hiệu hoặc trường đại học quốc tế tại thành phố Vinh, chuẩn bị các điều kiện để thành lập thêm một số trường đại học khác (trong đó có cả loại hình ngoài công lập), ưu tiên các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kiến trúc, xây dựng, giao thông công chính...; Xây dựng Vinh thành trung tâm dạy nghề kỹ thuật cao với một số trường dạy nghề trọng điểm (đào tạo công nhân kỹ thuật cho các khu công nghiệp trong vùng); phát triển các trung tâm khoa học chuyên ngành của Tỉnh và Trung ương trên địa bàn ngang tầm với vai trò, vị trí trung tâm vùng.
Văn hóa - thể thao và y tế: xây dựng Vinh trở thành trung tâm văn hoá - thông tin của vùng với các công trình tiêu biểu sau: Tháp truyền hình, Trung tâm truyền hình khu vực; Hệ thống các cơ quan thông tin - báo chí của vùng; chi nhánh Bảo tàng dân tộc học (Bắc miền Trung); Trung tâm điện ảnh; Thư viện Trung tâm; Nhà văn hoá các dân tộc Bắc Trung Bộ; Cung văn hoá thanh thiếu niên; Công viên thế giới tuổi thơ tại Cửa Lò; xây dựng thành phố Vinh trở thành một trong các trung tâm thể thao lớn của cả nước, là trung tâm thể thao của vùng Bắc Trung Bộ với các cơ sở sau: Trung tâm đào tạo vận động viên bóng đá ở các lứa tuổi; Trung tâm tập huấn quốc gia; Sân vận động Vinh với sức chứa trên 30.000 người; Khu liên hợp thể thao quy mô vùng bao gồm sân vận động, khu luyện tập, bể bơi...; đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện đa khoa vùng với quy mô 700 giường. Tiếp tục nâng cấp bệnh viện nhi giai đoạn II đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I. Nâng cấp Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đủ khả năng giám sát và khống chế các dịch bệnh trên địa bàn. Xây dựng Trung tâm sức khoẻ sinh sản. Phát triển các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh để trở thành các cơ sở y tế hạt nhân hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ.
Nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt những mục tiêu trên, xây dựng phát triển Vinh thành trung tâm kinh tế văn hoá vùng theo Quyết định số 239, Kế thừa truyền thống và lịch sử hào hùng 220 năm qua, với truyền thống Thành phố Đỏ anh hùng, khắc phục những tồn tại yếu kém, phát huy lợi thế đã có, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Vinh quyết tâm thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tập trung phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn với những giải pháp đồng bộ với cơ cấu kinh tế sau năm 2010 chuyển dịch theo hướng: dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp sạch, công nghiệp có lợi thế về lao động, nguyên liệu và thị trường, phát triển các khu công nghiệp vừa và nhỏ đồng bộ với các khu công nghiệp lớn theo quy hoạch. Phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông,… đặc biệt là đầu tư phát triển các thiết chế du lịch, thể hiện trung tâm du lịch gắn với các vùng du lịch hấp hẫn trong nước và quốc tế. Tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế, môi trường thân thiện thu hút mạnh các nhà đầu tư.
Hai là, coi trọng công tác quy hoạch, phân kỳ xây dựng theo từng giai đoạn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về đô thị, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống công viên cây xanh đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí hưởng thụ của nhân dân.
Huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Khắc phục những tồn tại về môi trường,… đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới, tạo chuyển biến mạnh tăng nhanh tốc độ đô thị hoá.
Ba là, tập trung thực hiện các Đề án xây dựng trung tâm vùng về giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao. Chú trọng phát triển văn hoá đô thị, chăm lo thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm nghĩa vụ của công dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, ý thức giữ gìn bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, văn minh đô thị, sống và làm việc xứng đáng với vị thế là công dân đô thị loại I.
Bốn là, thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động để nhân rộng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong mỗi cán bộ, công nhân viên chức và trong mỗi người dân.
Năm là, luôn bám sát các Đề án thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Thành phố Vinh thành Trung tâm Văn hoá - Kinh tế vùng Bắc Trung bộ, các Đề án thực hiện Nghị quyết 21 của Thành Đảng bộ, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI để chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua trong toàn dân, tạo nét mới, tinh thần phấn khởi, đoàn kết sáng tạo chung sức chung lòng xây dựng phát triển thành phố. Với tinh thần xứ Nghệ cần cù thông minh, lại mang trong mình dòng máu Xô Viết Nghệ Tĩnh bất khuất kiên cường, thành phố quê hương Bác Hồ. Phát huy truyền thống “xả thân”, “đi đầu dậy trước” thành quyết tâm dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, chấp nhận thử thách, thành phố Vinh chắc chắn trở thành Trung tâm kinh tế – văn hoá vùng Bắc Trung bộ trong tương lai gần nhất./.
(Hoàng Đăng Hảo- Tạp chí kinh tế và dự báo)
- Quyết định số 7470/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Lê Hồng Văn - Nguyễn Thị Minh Huệ tại Xóm Xuân Hùng, Xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7486/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Lê Đức Mạnh tại xóm Đức Thọ, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7483/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Dương Thị Thủy tại xóm Đức Thọ, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7485/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Đặng Quang Hợi - Nguyễn Thị Hồng Ngân tại xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7509/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc chuyển mục đích sử dụng đất cho ông, bà: Phạm Thị Triều tại xóm 6, xã Nghi Phú (19/12/2024)
- Quyết định số 7523/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Nguyễn Duy Bình - Nguyễn Thị Thủy tại xóm 19, xã Nghi Phú (19/12/2024)
- Quyết định số 7522/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Nguyễn Ngọc Xuân - Trần Thị Phước tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7521/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Nguyễn Tất Đạt - Phùng Thị Hà tại xóm 23, xã Nghi Phú (19/12/2024)
- Số 238/KH-UBND ngày 25/11/2024 của UBND thành phố Vinh mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC (25/11/2024)
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 của Chính phủ Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (01/11/2024)
Tiến độ giải quyết hồ sơ
- content: