Giới thiệu thành phố Vinh
- content:
Thành phố Vinh là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Nghệ An, Việt Nam, là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh và đã được Chính phủ Việt Nam quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ.
Thành phố Vinh là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Nghệ An, Việt Nam, là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh và đã được Chính phủ Việt Nam quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ.Diện tích & Dân số:
· Diện tích 104,96 km².
· Dân số: 550.000 người (2022)
Nhằm thực hiện đề án "Phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2025, thành phố Vinh sẽ mở rộng địa giới hành chính để có diện tích 250 km² với dân số dự kiến là 800.000 - 1.000.000 người. Sau khi mở rộng, diện tích của thành phố Vinh sẽ bao gồm thành phố Vinh hiện nay và toàn bộ diện tích thị xã Cửa Lò, phần phía Nam huyện Nghi Lộc, phía Bắc huyện Hưng Nguyên. Ranh giới thành phố mới sẽ là phía Bắc là đường Nam Cấm, phía Tây là đường tránh Vinh, phía Nam là sông Lam và phía Đông là biển Đông.
Vị trí địa lý:
Thành phố Vinh có tọa độ địa lý từ 18°38'50” đến 18°43’38” vĩ độ Bắc, từ 105°56’30” đến 105°49’50” kinh độ Đông. Vinh là thành phố nằm bên bờ sông Lam, phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Nghi Xuân, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Hưng Nguyên. Thành phố Vinh cách thủ đô Hà Nội 295 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.424 km, cách thủ đô Viên Chăn (Lào) 400 km về phía Tây.
Địa hình:
Địa hình Thành phố Vinh được kiến tạo bởi hai nguồn phù sa, đó là phù sa sông Lam và phù sa của biển Đông. Sau này sông Lam đổi dòng chảy về mạn Rú Rum, thì miền đất này còn nhiều chỗ trũng và được phù sa bồi lấp dần. Địa hình bằng phằng và cao ráo nhưng không đơn điệu, có núi Dũng Quyết hùng vĩ và dòng sông Lam thơ mộng bao quanh, tạo nên cảnh quan thiên nhiên của thành phố rất hài hòa và khoáng đạt.
Khí hậu:
Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt và có sự biến động lớn từ mùa này sang mùa khác.
Nhiệt độ trung bình 24°C, nhiệt độ cao tuyệt đối 42.1°C, nhiệt độ thấp tuyệt đối 4°C. Độ ẩm trung bình 85-90%. Số giờ nắng trung bình 1.696 giờ. Năng lượng bức xạ dồi dào, trung bình 12 tỷ Keal/ha năm, lượng mưa trung bình hàng năm 2.000mm thích hợp cho các loại cây trồng phát triển.
Có hai mùa gió đặc trưng: Gió Tây Nam - gió khô xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 9 và gió Đông Bắc - mang theo mưa phùn lạnh ẩm ướt kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Lịch sử:
Là vùng đất có núi bao bọc lại nằm cạnh biển Đông, Vinh có một vị trí đặc biệt. Các Vua Đinh, Lê, Lý, Trần đều chú ý đến Vinh và đã cử các tướng tài vào đây trấn giữ. Nhưng đến thế kỷ XV dưới thời Lê Lợi và Nguyễn Trãi thì vùng Vinh mới thực sự được quan tâm đặc biệt.
Thế kỷ XVII thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Ninh Quận Công Trịnh Toàn nhiều năm đã đóng đại bản doanh ở Núi Quyết. Huy động nhân dân và binh lính xây thành ông Ninh, đào kênh nối sông Cồn Mộc (tức sông Vinh) với sông Lam.
Ngày 1 tháng 10 năm 1788, Hoàng đế Quang Trung đã quyết định cho xây dựng đế đô tại vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô - thành phố Vinh - Nghệ An và đặt tên là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Và bằng việc xây dựng đơn vị hành chính: Phượng Hoàng - Trung Đô đã khẳng định vị thế của đất Yên Trường trong sự cân đối hài hòa với Đông Đô ở miền Bắc, Tây Đô ở miền Nam và trong chiến lược lâu dài của Hoàng đế Quang Trung là sẽ xây dựng Yên Trường thành kinh đô của đất Việt. Dù rằng, chưa được xây dựng hoàn tất do sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, nhưng Phượng Hoàng Trung Đô là một dấu son chói lọi trên chặng đường phát triển của đô thị Vinh.
Từ đời vua Gia Long đến các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định vùng đất Yên Trường tiếp tục được coi trọng xây dựng. Dấu tích các cổng thành cổ Nghệ An đã là một minh chứng cho công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất này.
Ngày 20 tháng 10 năm 1898, vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh cùng với các thị xã Thanh Hóa, Huế, Fai-Fo (Hội An ngày nay), Quy Nhơn và Phan Thiết. Ngày 30 tháng 8 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đạo dụ này. Thị xã lúc đầu bao quanh thành Nghệ An, sau dần dần phát triển về phía Nam.
Ngày 10 tháng 12 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập ngày 11 tháng 3năm 1914) và thị xã Trường Thi (thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1917) thành thành phố Vinh - Bến Thủy, do Công sứ Nghệ An kiêm chức đốc lý (tức thị trưởng).
Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thể kỷ trước, Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều... Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân. Đó cũng là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng.
Khi Việt Nam độc lập năm 1945, Vinh trở thành thị xã tỉnh lị tỉnh Nghệ An.
Ngày 28 tháng 12 năm 1961, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 32 về việc thành lập thành phố Vinh.
Ngày 10 tháng 10 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 148/CP thành lập thành phố Vinh, gồm 3 xã: Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Thủy[6]. Vinh lúc này được coi là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của miền Bắc Việt Nam.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Vinh là một trong những thành phố miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom tàn phá nặng nề nhất, toàn thành phố hầu như bị san phẳng.
Ngày 26 tháng 12 năm 1970, chuyển 4 xã: Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Đông, Hưng Vĩnh, một phần đất đai ở bờ bắc sông Cầu Đước thuộc xã Hưng Chính (thành lập 2 xã Vinh Hưng và Vinh Tân) thuộc huyện Hưng Nguyên và xã Nghi Phú thuộc huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý.[7]
Ngày 1 tháng 5 năm 1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười (sau trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố. Thành phố được xây dựng lại theo kiểu thiết kế đô thị của Đông Đức và Liên Xô như các đại lộ lớn, rộng và các dãy nhà chung cư. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 20 năm đổi mới vừa qua, Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cơ sở hạ tầng được xây dựng vững chắc, hệ thống giao thông phát triển. Nhiều công trình kinh tế, kỹ thuật, văn hoá lớn được xây dựng, nhiều khu đô thị mới đã mọc lên. Kinh tế phát triển ổn định, thường xuyên giữ mức tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đợc cải thiện, nâng cao.
Từ năm 1975, Vinh là tỉnh lị tỉnh Nghệ Tĩnh, gồm 5 phường: Hồng Sơn, Lê Mao, Quang Trung I, Quang Trung II, Trung Đô và 10 xã: Hưng Bình, Hưng Đông, Hưng Dũng, Hưng Hòa, Vinh, Hưng Lộc, Hưng Thủy, Hưng Vĩnh, Nghi Phú, Vinh Hưng, Vinh Tân.
Ngày 2 tháng 3 năm 1979, chuyển 3 xã Hưng Bình, Hưng Thủy, Vinh Hưng: thành 9 phường: Cửa Bắc, Tân Vinh, Hưng Bình, Lê Lợi, Cầu Cảng, Bến Thủy, Trường Thi, Đội Cung, Cửa Nam; hợp nhất 2 xã Hưng Vĩnh và Hưng Đông thành xã Đông Vĩnh; sáp nhập xóm Yên Giang của xã Vinh Hưng và xóm Vĩnh Mỹ của xã Hưng Vĩnh vào xã Vinh Tân theo điều chỉnh quy hoạch thành phố Vinh.[8]
Ngày 18 tháng 8 năm 1982, hợp nhất phường Quang Trung I vào phường Quang Trung II thành phường Quang Trung; sáp nhập phường Tân Vinh vào phường Lê Mao; tách phường Hưng Bình thành 2 phường: Hưng Bình và Hà Huy Tập.[9]
Từ năm 1991, trở lại là tỉnh lị tỉnh Nghệ An.[10]
Ngày 28 tháng 6 năm 1994, chia xã Đông Vĩnh thành phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông.
Ngày 23 tháng 8 năm 1994, sáp nhập phường Cửa Bắc vào phường Cửa Nam; sáp nhập phường Cầu Cảng vào phường Bến Thủy; chuyển xã Hưng Dũng thành phường Hưng Dũng.
Ngày 23 tháng 3 năm 2005, thành lập phường Hưng Phúc trên cơ sở 58,17 ha diện tích tự nhiên và 7.932 nhân khẩu của phường Hưng Bình, 55,73 ha diện tích tự nhiên và 1.535 nhân khẩu của phường Hưng Dũng; thành lập phường Quán Bàu trên cơ sở 111,20 ha diện tích tự nhiên và 5.300 nhân khẩu của phường Lê Lợi, 120,20 ha diện tích tự nhiên và 3.370 nhân khẩu của xã Hưng Đông.[12]
Ngày 17 tháng 4 năm 2008, thành phố Vinh được mở rộng thêm trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Ân thuộc huyện Nghi Lộc và xã Hưng Chính; 174 ha diện tích tự nhiên và 3.043 nhân khẩu của xã Hưng Thịnh thuộc huyện Hưng Nguyên; chuyển xã Vinh Tân thành phường Vinh Tân.[13]
Ngày 13 tháng 8 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận Vinh là đô thị loại II.
Ngày 30 tháng 9 năm 2005, Chính phủ ban hành Quyết định 239QĐ-CP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Vinh trở thành đô thị trung tâm Bắc Trung Bộ.
Ngày 5 tháng 9 năm 2008, tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An [14]. Hiện nay thành phố đang hướng tới là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Định hướng phát triển:
Theo Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt [15], quy mô dân số thành phố khoảng 900.000 người vào năm 2030; có diện tích nghiên cứu phát triển khoảng 250 km2, vùng phụ cận có quy mô khoảng 1.230 km2, bao gồm: huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thị xã Cửa Lò.
Chức năng của thành phố Vinh đối với tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ:
a) Chức năng đầu tầu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ.
b) Chức năng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và trọng điểm về khoa học - công nghệ, văn hoá - thể thao và y tế của vùng.
c) Chức năng trung tâm công nghiệp của vùng đối với sự phát triển công nghiệp chung của vùng Bắc Trung Bộ.
d) Chức năng Trung tâm thương mại, du lịch và các dịch vụ khác có tác động mạnh trên phạm vi vùng Bắc Trung Bộ.
đ) Chức năng đầu mối giao thông, cửa vào - ra quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ, cả nước và quốc tế.
An ninh Quốc phòng:
Bộ tư lệnh Quân khu 4 đặt tại thành phố Vinh có nhiệm vụ chỉ huy, quản lý và tổ chức xây dựng quân đội chiến đấu, bảo vệ vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Quân khu 4 có địa bàn rộng, bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Địa bàn Quân khu 4 có vị trí hết sức quan trọng. Từ xa xưa đây đã từng là chốn “biên thùy”, là “phên dậu”, là nơi xuất phát của nhiều cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giữ nước của dân tộc. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Khu 4 vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc. Quân và dân Khu 4 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc gia, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào, Cam-pu-chia.
Kinh tế:
Thành phố Vinh nằm giữa hai khu kinh tế lớn là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh), bên cạnh thành phố là khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An).
Năm 2010, Tốc độ tăng trưởng giá trị SX so với cùng kỳ là 18,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,1 triệu đồng, thu ngân sách đạt 2800 tỷ đồng. TP phấn đấu trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng giá trị SX từ 18,5-19.5%, thu ngân sách đạt từ 3.200 - 3.300 tỷ đồng.[16]
Nhiều Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn có trụ sở chính ở Vinh (Ngân hàng Bắc Á, Tập đoàn TH,Tổng Công ty công trình giao thông 4, Tổng Công ty hợp tác kinh tế QK4, Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào, Tổng Công ty xây lắp dầu khí Nghệ An, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An.......).
Vinh cũng được biết đến là một thành phố trẻ năng động, có nhiều tòa nhà cao tầng. Hiện có rất nhiều dự án phát triển đô thị tại đây. Trong tương lai không xa, Vinh sẽ là một thành phố hiện đại xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Về cơ cấu kinh tế, Đến 2010, ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ 41%, dịch vụ 57,3%, nông nghiệp 1,61%.[17]
Công nghiệp:
Là đô thị hạt nhân có tác động lan toả mạnh mẽ đến tốc độ công nghiệp hoá vùng Bắc Trung Bộ, trong nhiều năm qua cơ cấu kinh tế thành phố Vinh chuyển dịch tích cực và đúng hướng, trong đó tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh tập trung chủ yếu là công nghiệp sạch. Tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ với các ngành chế biến thực phẩm - đồ uống, chế biến thuỷ hải sản, dệt may, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ, đá trang trí, sản xuất bao bì, nhựa, giấy....
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có 7 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp:
· Khu công nghiệp Bắc Vinh
· Cụm công nghiệp Nghi Phú
· Cụm công nghiệp Hưng Đông
· Cụm công nghiệp Hưng Lộc
· Cụm công nghiệp Đông Vĩnh
· Khu công nghệ cao: Công viên Công nghệ Thông tin Nghệ An Park (Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT)
· Cụm công nghiệp dệt may, khai thác cảng Bến Thủy.
· Cụm công nghiệp sản xuất Vật liệu xây dựng Trung Đô.
Thương mại - Dịch vụ:
Các ngành dịch vụ như thương mại, tài chính ngân hàng, du lịch, khách sạn cũng phát triển nhanh chóng và ổn định. Với hệ thống ngân hàng, các công trình chợ đầu mối bán buôn bán lẻ, siêu thị, hệ thống khách sạn đa cấp, đầu mối các tour du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, tạo cơ sở để trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch của khu vực Bắc miền Trung. Từ năm 2003 - 2008, tỷ trọng dịch vụ đạt gần 60% GDP của thành phố và so với tính quy luật chung thì tỷ trọng dịch vụ trên thể hiện sự tiến bộ trong cơ cấu kinh tế của thành phố Vinh ngày càng rõ nét.
Trung tâm Thương mại
Hiện nay, ở Vinh có các chợ lớn là Chợ Vinh, Chợ Ga Vinh, Chợ Quán Lau...Hệ thống các siêu thị lớn như: Metro, Big C, Intimex, Maximax, Vạn Xuân, CK Palaza...Thành phố đang triển khai dự án xây dựng khu phố thương mại Vinh trên trục đường ven Sông Lam, đoạn Vinh - Cửa Lò. Tại đây đang xây dựng các trung tâm thương mại lớn gắn với hệ thống siêu thị cao trên 30 tầng, ngoài ra còn có tổ hợp các khách sạn cao cấp, khu văn phòng cao trên 20 tầng tạo thành một khu thương mại du lịch lý tưởng mang tầm khu vực, một hệ thống đô thị thương mại ven sông.
Các Khu phố chuyên doanh
· Đường Nguyễn Thị Minh Khai chuyên doanh các mặt hàng điện thoại di động, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin...
· Đường Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái chuyên kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng.
· Đường Trần Phú chuyên kinh doanh các mặt hàng trang trí, nội ngoại thất.
· Đường Cao Thắng chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý và trao đổi ngoại tệ.
· Đường Đặng Thái Thân, Lê Hồng Phong chuyên kinh doanh mỹ phẩm, quần áo thời trang.
· Đường Quang Trung chuyên doanh các mặt hàng xe gắn máy, điện tử, điện lạnh...
· Đường Đào Tấn, Nguyễn Văn Cừ, Hồ Xuân Hương chuyên kinh doanh hàng ẩm thực ăn uống, giải khát.
.....
Tài chính - Ngân hàng
· Hệ thống Ngân hàng: ngoài Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á có hội sở chính ở Vinh - ngân hàng duy nhất của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, hầu hết các Ngân hàng của Việt Nam với gần 40 Ngân hàng thương mại nhà nước, thương mại cổ phần với hàng trăm Phòng giao dịch có mặt tại thành phố Vinh. Các Ngân hàng lớn trong hệ thống Ngân hàng Quốc doanh như Vietcombank và Incombank đều có 2 chi nhánh cấp 1 tại thành phố gồm Vietcombank Vinh, Vietcombank Trung Đô, Vietinbank Nghệ An, Vietinbank Bến Thủy, điều này không có thành phố nào trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có được.
· Các công ty Chứng khoán: Công ty Chứng khoán Việt, Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An, Sara Group, VVS An Phú, FPTS...
· Các công ty Tài chính: Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á, Tiết kiệm Bưu điện Nghệ An, Tài chính Dầu khí Nghệ An, Vàng bạc Đá quý PNJ, Ngân hàng Nông nghiệp Bắc miền Trung...
Bưu chính - Viễn thông
Mạng lưới bưu chính viễn thông ở Vinh hiện xếp thứ tư toàn quốc [18].
Giao thông:
Thành phố Vinh nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đồng thời rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa trong khu vực và quốc tế.
Đường bộ:
Đối ngoại:
TP Vinh được hưởng lợi hệ thống giao thông đối ngoại rất thuận tiện với các tuyến Quốc lộ theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây.
· Quốc lộ 1A chạy xuyên qua trung tâm thành phố theo hướng Bắc - Nam với chiều dài 15 km đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hiện tại, thành phố đã hoàn thiện xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh ở phía Tây nhằm giảm tải giao thông trong khu vực trung tâm.
· Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15 theo trục Bắc - Nam
· Quốc lộ 7 đi qua các huyện trong tỉnh đến Xiêng Khoảng (nơi có cánh đồng Chum) và cố đô LuongPhabang của Lào
· Quốc lộ 8 đi qua các huyện, thị: Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn phía bắc Hà Tĩnh qua cửa khẩu Cầu Treo đến thủ đô Viên Chăn (Lào)
· Quốc lộ 46 đi qua các huyện: TX Cửa Lò,TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương qua cửa khẩu Thanh Thủy sang Lào
· Quốc lộ 48 đi qua: Yên Lý, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quế Phong - Lào
Nội thị:
Mạng lưới giao thông nội thị có 765 km đường giao thông các loại, hầu hết đã rải nhựa hoặc đổ bê tông xi măng; tỷ lệ đường rộng trên 12m chiếm 15,7%, mật độ đường giao thông đạt 12 km/km². Thành phố có 2 bến xe lớn phục vụ nhu cầu đi lại nội và ngoại tỉnh của nhân dân, bến xe Vinh và bến xe Chợ Vinh thu hút trên 700 lượt xe đón trả khách/ ngày. Vinh còn có 2 bến xe mới là Bắc Vinh và Nam Vinh đang được xây dựng. Thành phố Vinh đang quy hoạch xây dựng các khu trung tâm đô thị dọc trục đường Lê Lợi, Quang Trung, Trường Thi, Đại lộ Lê Nin, đường du lịch ven sông Lam, Đại lộ Vinh - Cửa Lò... trong tương lai không xa sẽ mang lại cho thành phố bộ mặt đô thị hiện đại, xứng tầm đô thị loại 1 trung tâm cấp vùng.
Giao thông Công cộng: Ở Vinh hiện có nhiều tuyến xe bus phục vụ việc đi lại của người dân thành phố và các huyện lân cận.
· Tuyến 1: Bến Thủy - Trường Thi - Cửa Hội - Cửa Lò.
· Tuyến 2: Bến Thủy - Quang Trung - Quán Bánh - Cửa Lò.
· Tuyến 3: Bến Thủy - Cửa Nam - Hưng Nguyên - Nam Đàn - Thanh Chương.
· Tuyến 4: Vinh - Nghi Lộc - Diễn Châu - Quỳnh Lưu - Hoàng Mai.
· Tuyến 5: Vinh - Diễn Châu - Yên Thành
· Tuyến 6: Vinh - Nghi Xuân- Thị xã Hồng Lĩnh- Can Lộc-Thạch Hà-thành phố Hà Tĩnh.
...
Đường sắt:
Ga Vinh là một trong 2 lớn nhất miền Trung (ga hạng 1 cùng với Ga Đà Nẵng) và quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam, cách ga Hà Nội 319 km hay khoảng 5 tiếng rưỡi đồng hồ đi tàu theo tốc độ đường sắt hiện tại. Theo các tài liệu hỏa xa thời Pháp còn được lưu trữ, ga Vinh chính thức được bắt đầu xây dựng vào quý II năm 1900. Đây là một trong năm tuyến đường sắt Đông Dươngđược Chính phủ Pháp đầu tư khoảng 200 triệu france để xây dựng nhằm mục đích khai thác thuộc địa. Hiện nay, Ga Vinh trực thuộc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội. Tất cả các chuyến tàu xuyên Việt đều dừng đón và trả khách tại đây. Ngoài các chuyến tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu địa phương xuất phát từ Vinh đi miền Bắc là NA1, NA2 và đi miền Trung là VQ1, VQ2. Ga Vinh hiện là ga đầu tiên và duy nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được đầu tư lắp đặt hệ thống điều khiển chạy tàu tập trung Domino 70-E của Hãng Siemens (CHLB Đức).
Đường thủy:
Hệ thống sông ngòi bao quanh phía Tây Đông và phía Nam thành phố là điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế với các huyện trong tỉnh. Sông Lam có độ sâu 2 - 4m có cảng Bến Thuỷ là một cảng hàng hoá lâu đời của khu vực Bắc miền Trung có khả năng cho tàu dưới 2.000 tấn ra vào thuận lợi. Trong tương lai, khi thị xã Cửa Lò sát nhập vào thành phố Vinh, thì cảng nước sâu Cửa Lò với công suất 3 triệu tấn/năm (sẽ được nâng lên 5 triệu tấn/năm vào năm 2015, 17 triệu tấn/năm vào năm 2020) là một cảng lớn trong hệ thống cảng biển quốc gia sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong việc giao thương bằng đường biển.Đường hàng không:
Sân bay Vinh là một trong các sân bay dân dụng lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Hiện nay, từ Cảng hàng không Vinh đang có các đường bay thẳng khứ hồi kết nối Vinh với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt với tần suất 22 lần chuyến cất, hạ cánh/ngày, do các hãng hàng không đối tác: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air khai thác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, nhu cầu đi lại của người dân không chỉ Nghệ An mà các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng tăng mạnh, khiến sản lượng vận chuyển của Cảng hàng không Vinh tăng mạnh với mức 150%/năm. Nhà ga trở nên quá tải trong những giờ cao điểm khi phải tiếp nhận 3 chuyến bay A320 đồng thời, tương đương phục vụ khoảng 600-800 hành khách/giờ cao điểm [19]. Lượng khách phục vụ liên tục tăng mạnh, năm 2009, Cảng hàng không Vinh đã thực hiện 63.167 lượt hạ cất cánh, vận chuyển hơn 257.000 hành khách. Năm 2010 sản lượng vận chuyển hành khách qua Cảng đạt 396.948 lượt khách, năm 2011 đạt trên 550.000 lượt khách. Năm 2012 đã đạt gần 700.000 lượt khách.[20] Năm 2013, dự kiến SB Vinh sẽ đạt 1 triệu lượt khách.[21]
Từ 14/01/2013, SB Vinh có tuyến bay quốc tế đầu tiên Vinh - Viêng Chăn [22]. Trong tương lai gần, sân bay này sẽ được nâng cấp hiện đại và mở thêm một số tuyến bay nội địa và quốc tế mới, như Vinh - Đông Bắc Thái Lan, Vinh - Singapore, Vinh - Hàn Quốc, Vinh - Đài Bắc.... Sau đó, Chính phủ dự kiến mở rộng sân bay Vinh thành sân bay quốc tế với quy mô lớn, mở các tuyến bay đi Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Á và các nước khác. Nhà ga hành khách mới của SB Vinh cũng đang được xây dựng với công suất 2-2,5 triệu khách/năm.[23]
Địa danh - Văn hóa:
Quảng trường và Tượng đài:
Công trình Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh nằm trên địa bàn phường Trường Thi, phía Bắc giáp đường Hồ Tùng Mậu, phía Đông giáp đường Trường Thi, phía Nam giáp đường Trần Phú (QL IA). Được khởi công xây dựng vào năm 2000, khánh thành vào 19 tháng 5 năm 2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quần thể quảng trường và tượng đài rộng 11ha (110.000m2) - quảng trường rộng nhất Việt Nam gồm nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống đài phun nước tạo cảnh, núi Chung mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê của Người. Trên 1.650 loài cây tiêu biểu của mọi miền đất nước Việt Nam đã được đem về trồng, trên đỉnh có vườn cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhiều nhân vật quốc tế trồng trong những dịp đến viếng thăm.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí trang trọng ở phía Tây-Nam của Quảng trường. Tượng cao 18m, làm bằng chất liệu đá granít Bình Định.
Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, mà còn là địa chỉ quan trọng của du khách trong và ngoài nước trên con đường di sản miền Trung.
Phượng Hoàng Trung Đô:
Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay thuộc thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng Hoàng, một loài chim có trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát.
Thành cổ Nghệ An:
Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạngmới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng (Vô-băng là tên một tướng Pháp có sáng kiến thiết kế kiểu thành này). Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412 m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000 m², bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m). Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.
Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh thống đốc, phía nam có dinh bố chánh và án sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã có quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn của thành phố.
Văn Miếu Vinh:
Văn Miếu Vinh được xây dựng vào năm 1803 dưới triều vua Gia Long, là một công trình tiêu biểu của đạo học xứ Nghệ. Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi về Văn miếu Vinh như sau: Văn miếu Vinh ở địa phận xã Yên Dũng, phía đông tỉnh thành, phía tây là đền Khải Thánh. Có diện tích rộng, bằng phẳng, tới 22.000m2. Với vị trí lấy đường tiếp nối đường thiên lý Bắc Nam mà tổ tiên vạch mở từ ngàn xưa làm chỗ đứng thì ta thấy bên phải là Võ Miếu (tức đền Hồng Sơn), bên trái là Văn Miếu: Văn tả, Võ hữu, cùng với Cửa Tiền nhìn ra bến sông Vĩnh và hướng về Nam, phía xa trước mặt là Lam Thành - lỵ sở cũ của trấn Nghệ An, như thế là cân đối cả về vị trí thờ tự và thuận cả về thuật phong thủy. Văn miếu Vinh được bố trí có 3 cửa tam quan đều hướng về phía Nam (phía kinh đô triều Nguyễn). Trên cửa chính môn có tầng lầu đề bốn chữ " Vạn thánh linh từ". Hai bên cửa có đôi câu đối ánh màu sơn son thiếp vàng, toát lên niềm tự hào của dân Nghệ về đạo học: " Nhật nguyệt trung thiên minh thánh đạo. Giang sơn đại địa tích Nhân văn"- (Đạo thánh sáng ngời như mặt trời, Mặt Trăng trong vũ trụ, Nhân văn được bồi tụ là do ở sông núi nơi đất này). Phía trên là hạ điện. Giữa là thương điện. Hai bên có nhà tả vu với hữu vu. Sân lộ thiên ở giữa bốn ngôi nhà thâm nghiêm, tĩnh mịch. Xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, vườn cây cảnh và rừng cây. Hiện nay, Văn miếu Vinh chỉ còn là phế tích, nền cũ đã được Công ty In Nghệ An trưng dụng và nhiều nhà dân lấn chiếm, sử dụng. Các đồ tế khí, bia đá được chuyển đến đền Hồng Sơn (Võ Miếu) để tạm cất giữ.
Cồn Mô - Ngã ba Bến Thủy:
Cồn Mô được xây dựng thành tượng đài kỷ niệm cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, với chiều cao 10m, rộng 16.2m. Trên tượng đài khắc biểu tượng búa liềm, mặt trước gắn biểu tượng trống Xô Viết. Trên nền bia còn khắc ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra ở Cồn Mô.
Khu di tích ngã ba Bến Thủy có diện tích 6.400 m². Qua thời gian và chiến tranh tàn phá, cảnh vật thay đổi, cột điện lịch sử đã không còn nữa. Nhưng tại đây, để ghi lại sự kiện lịch sử anh hùng của nhân dân, tỉnh Nghệ An và chính quyền thành phố Vinh đã xây dựng tượng đài công nông binh để giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh.
Đền thờ Vua Quang Trung:
Đền thờ Vua Quang Trung được xây dựng với ý nghĩa muôn đời ghi nhớ công lao to lớn và tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của Hoàng Đế Quang Trung, góp phần nêu cao truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Đền toạ lạc trên đỉnh thứ 2 núi Dũng Quyết, cao 92m so với mực nước biển, nơi cách đây 220 năm, ngày 1/10/1788 Vua Quang Trung hạ chiếu cho xây dựng Phượng Hoàng - Trung Đô. Đó được xem là đất tứ linh có 4 chi: Chi hướng về Tây gọi là Long thủ (đầu Rồng), chi hướng phía Đông Nam gọi là Phượng dự (cánh Phượng Hoàng), chi hướng về Đông Bắc gọi là Quy bối (lưng Rùa), chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con Mèo).
Công trình bao gồm các hạng mục chính: Khu Tiền đường diện tích 180 m², khu Trung đường diện tích 160 m² và khu Hậu cung 60 m², nhà Tả vu, Hữu vu, diện tích mỗi nhà 80 m².
Chùa Cần Linh:
Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, trên một vùng đất trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên tường, huyện Hưng Nguyên. Nay thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh. Chùa thờ Phật Thích Ca - vị tổ của đạo Phật - và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5.208 m², gồm có các kiến trúc sau: Tam quan, bái đường, chính điện, tăng đường, nhà tả vu, hữu vu. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng.
Bảo tàng - Thư viện:
Một số trung tâm lớn:
· Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An
Địa chỉ: Số 4 đường Đào Tấn, Thành phố Vinh.
· Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Địa chỉ: Số 6 đường Đào Tấn, Thành phố Vinh.
· Bảo tàng Quân khu IV
Địa chỉ: Số 189 đường Lê Duẩn, Thành phố Vinh.
· Thư viện tỉnh Nghệ An
Địa chỉ: Đại Lộ Lê Nin, Thành phố Vinh.
Nghệ thuật - Điện ảnh - Báo chí - Truyền hình
Các Trung tâm lớn:
· Nhà Văn hóa Lao động
· Cung Lễ hội Vinh
· Nhà Văn hóa Quân khu 4
· Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt - Đức
· Nhà hát Dân ca Nghệ An - Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca Xứ Nghệ (gồm 2 đoàn nghệ thuật: Đoàn kịch hát và Đoàn dân ca)
· Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An
· Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV
· Trung tâm Điện ảnh Bắc Trung Bộ
· Rạp chiếu phim 12-9 (nay đã xây dựng và quy hoạch lại thành Trung tâm điện ảnh đa chức năng Vinh)
· Ngay từ năm 1929, Nghệ An (tập trung tại TP Vinh) đã trở thành trung tâm báo chí cách mạng và đến nay Nghệ An vẫn là một trong những trung tâm báo chí lớn với số lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên hơn 600 người, trong đó trên 360 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (đứng thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về số hội viên). Nghệ An là một trong số ít địa phương có báo ngành hoạt động hiệu quả, như báo Công An Nghệ An, Lao động Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Văn Hoá Nghệ An. Nghệ An cũng là địa phương có số cơ quan báo chí trung ương thường trú nhiều, đứng thứ tư trong cả nước sau các thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng[24].
· Truyền hình Nghệ An là một đài truyền hình lớn, được trang bị công nghệ hiện đại, phủ sóng vệ tinh Vinasat. Từ năm 2015 bằng hệ thống truyền hình số mặt đất và vệ tinh TH Nghệ An sẽ gồm 21 kênh do TH Nghệ An sản xuất(NTV1->NTV21, trong đó có 6 kênh HD và 15 kênh SD). Từ năm 2020 phát 21 kênh HD và phát song song 21 kênh SD bằng số hóa theo đề án của Chính phủ. Đài TH Vinh, đài truyền hình riêng biệt của TP Vinh cũng đang được lập đề án xây dựng.
Du lịch:
Thành phố Vinh là một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Nghệ An và là một điểm đến quan trọng trong tour du lịch con đường di sản miền Trung. Thành phố Vinh từ lâu đã hấp dẫn du khách bởi một quần thể khu du lịch với những nét đặc trưng tiêu biểu của một đô thị xứ Nghệ. Đến với thành phố Vinh, du khách có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch như: du lịch nghiên cứu, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...Thành phố còn có nhiều di tích, danh thắng trong đó có tới 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 16 di tích được xếp hạng của tỉnh Nghệ An.
Với nhiều hãng du lịch lữ hành đang hoạt động tại đây, Vinh còn là đầu mối trung chuyển cho các tour du lịch trong tỉnh và các địa phương lân cận. Từ thành phố Vinh, cách 5 km là khu mộ của đại thi hào Nguyễn Du, cách 15 km là khu di tích Kim Liên - quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh và cách 17 km là bãi biển Cửa Lò - một trong những bãi biển đẹp nổi tiếng của khu vực miền Trung và cả nước.
Địa điểm Du lịch:
· Công viên Trung tâm:
Nằm tại trung tâm thành phố, có ranh giới thuộc 2 phường Lê Mao và Trường Thi. Diện tích: 41.3 ha, bao gồm các khu vực chính như sau:
Khu Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh nằm tại góc đường Hồ Tùng Mậu và đường Trường Thi. Quảng trường có quy mô lớn, có đường duyệt binh, vườn hoa, lễ đài, là nơi tổ chức các lễ hội, các lễ kỷ niệm trọng đại của nhân dân trong tỉnh.
Khu biểu diễn nghệ thuật: Trên cơ sở một số công trình của Liên đoàn Lao động Nghệ An. Tại đây đã có một số công trình phục vụ biểu diễn, các sân khấu trong nhà, ngoài trời, các sân bãi công trình dịch vụ, bể bơi. Ngoài các công trình trên còn bố trí một số sân khấu ngoài trời tại những nơi thích hợp.
Khu thể thao vui chơi thanh thiếu niên: Bố trí tại vùng đất phía Nam nhà Văn hoá lao động kéo đến đường Trần Phú là nhà thi đấu thể thao có mái che hiện đại và các công trình phục vụ vui chơi, thi đấu thể thao.
Khu dạo chơi, vãn cảnh: là khu vực từ đường Trần Phú, ngã ba khách sạn Phương Đông, chạy dọc theo đường Trường Thi. Tại đây bố trí nhiều tiểu cảnh, nơi ngồi nghỉ, các đường đi dạo, nhiều bồn hoa, cây cảnh.
Khu tạo cảnh rừng nguyên sinh: là khu kết hợp giữa núi sau lưng tượng Bác Hồ và vùng đất kẹp giữa hồ nước, đường Hồ Tùng Mậu và đảo nổi giữa hồ. Tại đây trồng cây theo kiểu rừng nguyên sinh. Chọn một số cây đặc trưng của rừng và trồng theo kiểu tự nhiên, đường và một số chòi nghỉ, chuồng thú, vườn phong lan, tạo nên không khí của rừng núi.
Hồ nước: Nằm giữa công viên, có đảo nhỏ, là nơi tạo cảnh thần tiên như trong truyện cổ tích. Hồ nước tạo mặt thoáng, cảnh quan cho công viên, trong hồ có thể tổ chức một số trò chơi như: chèo thuyền, lướt ván, trò chơi điều khiển từ xa...
· Lâm viên Dũng Quyết:
Với diện tích 15.6 ha, bao gồm toàn bộ khu vực núi Dũng Quyết và vùng đất bằng phẳng của phường Trung Đô, phường Bến Thuỷ. Lâm viên Dũng Quyết có 39 hạng mục công trình. Trong đó có những công trình chủ yếu như sau:
Theo quy hoạch, trên các cao điểm của núi Quyết sẽ xây dựng các công trình như: Đền thờ Quang Trung, tượng Uy minh Vương - Lý Nhật Quang, cáp treo vượt sông Lam... Phía Đông núi có vách đá cao dựng đứng gần 100 m sẽ là nơi tổ chức các cuộc thi thể thao leo núi.
Trong khu vực di tích thành Phượng Hoàng Trung Đô sẽ khôi phục lại một đoạn bờ thành và xây đền thờ Quang Trung. Trên núi Kỳ lân dựng tượng vua Quang Trung trong tư thế của một vị đại nguyên soái đang duyệt hàng vạn hùng binh.
· Công viên Nguyễn Tất Thành:
Là công viên lớn nằm ở phía Đông Nam thành phố, trên 2 trục đường chính là Phan Đăng Lưu và Trường Thi. Tổng diện tích là 8.3 ha, trong đó diện tích mặt hồ Goong là 5.64 ha, xung quanh hồ được phủ kín hệ thống cây xanh. Trong công viên có cụm tượng đài "Bác Hồ với tuổi trẻ", nhà truyền thống, bể bơi, các hoạt động nghệ thuật khác...Công viên này được xây dựng từ nguồn đóng góp của thanh thiếu nhi cả nước trao tặng cho quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh.
· Vườn hoa Cửa Bắc:
Là vườn hoa nằm ở trung tâm thành phố, hình tam giác, nên còn được gọi là vườn hoa Tam Giác (hay còn gọi là vườn hoa Vòi Phun, vì ở giữa vườn hoa có một vòi phun nước lớn). Vườn hoa này nằm giữa 3 tuyến phố chính là Lê Lợi, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
· Du thuyền Sông Lam:
Sông Lam xưa có tên là Sông Cả (sông mẹ). Tiếng Cả vừa hàm nghĩa là "lớn", vừa có hàm nghĩa là "mẹ", mẹ của những con sông nhỏ đổ về như: Nậm Nơm, Nậm Mộ, sông Giăng, sông La...Có lẽ do màu nước trong xanh lại chảy qua nhiều núi non, làng mạc tạo nên cảnh đẹp khác thường nên các nhà nho, các tao nhân mặc khách đã đặt cho sông những cái tên hoa mỹ: "Lam Giang", "Thanh Long Giang", "Lam Thuỷ"...đồng thời sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp có một không hai của nó.
Năm 1998, nhân kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh, công ty du lịch thành phố Vinh đã khai trương tua du lịch trên sông Lam. Du khách sẽ được nghe các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh tha thiết trên sông và được ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng nằm ven sông Lam của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An như Đền Ông Hoàng Mười, khu di tích cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong của vùng quê Hưng Nguyên, đến với Đình Trung Cần và Hoành Sơn, khu di tích Kim Liên, lăng và mộ Mai Hắc Đế, khu di tích danh nhân Phan Bội Châu...Từ bến thuyền Hưng Hòa, ngược nguồn dòng Lam du khách sẽ đến với quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ và sẽ được đắm chìm trong giai điệu mượt mà của ca trù Cổ Đạm...
· Đường ven Sông Lam:
Đường ven Sông Lam cách thành phố không xa, nối giữa cầu Bến Thủy, lâm viên Núi Quyết với Cửa Lò, đi qua rừng bần Hưng Hòa với hệ sinh thái đa dạng gồm nhiều động vật,thực vật quý. Đây là tuyến đường "xanh - sạch - đẹp" của thành phố Vinh và là nơi đi dạo lý tưởng cho nhân dân thành phố và du khách.
Đặc sản:
· Cam Vinh
· Cháo lươn Vinh
· Món hến
Canh hến là đặc sản có vị đậm đà không thể thiếu trong những bữa cơm trưa hè. Thông thường người ta xào ruột hến thật thơm bỏ vào nước hến cùng với món rau nào đó, mà thường là các loại rau vặt như: rau bầu, rau lang, mồng tơi, rau dềnh, rau muống..v..v.. thành một món canh rất ngọt, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là rất mát.
Bên cạnh món canh hến du khách còn có thể dùng món hến xúc bánh tráng. Hến được xào với mỡ hành, rắc thêm rau thơm và một ít lạc rang giã dập cùng vài lát ớt cắt mỏng ăn với bánh tráng là một món ăn ngon lý tưởng.
· Chả rươi
Rươi là thức ăn nhiều đạm. Du khách có thể ăn rươi với trứng gà mà người dân nơi đây gọi là chả rươi hoặc ăn canh rươi, mắm rươi.. đến mùa rươi người ta còn có thể phơi khô ăn dần.
Chả rươi được chế biến hết sức công phu: rươi rửa thật sạch, đun nước sôi cho vào chần, xong để ráo nước mới lấy đũa đánh xáo rươi thật nhuyễn. Làm chả rươi cần 200 gam rươi, khoảng 3 quả trứng, 200 gam thịt lợn nạc, băm nhuyễn cộng thêm gia vị: lá gừng, hành hoa, thì là, vỏ quýt (thái nhỏ). Tất cả đánh nhuyễn, đổ vào dầu thực vật tao già, đun nhỏ lửa. Chả rươi có vị ngọt đậm đà, béo ngậy, có mùi vị riêng được nâng lên nhờ hoà quyện với mùi vỏ quýt. Tạo nên hương vị quê hương đặc trưng của thành Vinh - xứ Nghệ.
Còn nếu muốn làm mắm rươi thì đơn giản hơn chả rươi. Rươi được làm sạch, bỏ muối theo tỷ lệ vừa phải xóc, ướp khoảng 10 ngày, sau đó đem phơi nắng, cho gia vị chủ yếu là vỏ quýt trộn đều, ủ trong liễn hoặc đóng trong vại… mắm rươi dùng chấm rau sống, đặc biệt là thịt lợn luộc rất ngon.
· Nộm chợ Vinh
Nói nộm chợ Vinh tức là nói món nộm được bán ở các chợ tại thành phố Vinh. Như chúng ta đã biết, có nhiều món nộm khác nhau: nộm đu đủ, nộm hoa chuối, nộm khế, nộm cà, nôm mướp đắng. Tại chợ Vinh còn có nộm măng, nộm dưa chuột, nộm rau muống, nộm xu hào, nộm thập cẩm, nôm củ chuối... ở đây xin nói về nộm thập cẩm.
Nguyên liệu gồm: đu đủ, hoa chuối, giá đỗ, khế xanh. Đu đủ xanh gọt vỏ, nạo thành từng sợi như sợi miến; hoa chuối cũng phải thái thành sợi nhỏ, hai thứ này trộn đều, xoa qua loa rồi ngâm với nước muối loãng. Vớt ra, rảy cho khô nước, bỏ trong xoong, thái quả khế xanh thành những lát mỏng, lấy ít giá đỗ bỏ vào tất cả trộn đều cùng với các loại gia vị sau: một ít giấm chua (nếu nhiều khế thì thôi), một ít đường, một ít ớt cay, lá chanh thái nhỏ, lá húng quế cũng thái nhỏ, một ít lạc rang giã dập, bột canh, mỳ chính, tổng cộng 9 loại gia vị cả thảy. Khi ăn sẽ có cảm giác bùi bùi, chua chua, cay cay, mằn mặn, ngọt ngọt, khá hấp dẫn. Màu sắc đĩa nộm có đủ màu đỏ của ớt, màu xanh của lá chanh, húng quế; màu trắng của đu đủ, giá đậu, màu vàng nhờ nhỡ của hoa chuối.... Thế đã ngon lắm rồi, có người muốn cho ngon hơn. Họ mua bì lợn, luộc chín, thái nhỏ như tăm trộn vào.
Bữa ăn hàng ngày trên mâm cơm gần như nhà nào cũng có. Đó là món ăn dân dã, ngon miệng, dễ làm mà người dân thành Vinh ưa thích.
· Nước chè xanh
Ai đã từng về Vinh đều có lẽ không thể bỏ qua bát nước chè xanh xứ Nghệ. Chè xanh ở đây có thể nói là không chê vào đâu được. Nhưng để có được bát nước như vậy quả là phải có kỹ thuật từ chọn chè đến cách om cách nấu.
Trước hết, người ta chọn thứ lá chè dày và mơn mởn (không già quá mà cũng không non quá). Nếu già quá thì nước bầm đen trông không ngon, không thơm. Nếu chè non quá thì nước chóng nhạt, không đượm. Nước nấu chè phải là thứ nước ngòn ngọt. Thường là nước mưa hay nước giếng đá sỏi thì nước mới ngọt. Nấu chè thường dùng nồi bù hay ấm đất.
Nhận chè vào phải đúng kỹ thuật, không vò nát chè, mà cũng không để nguyên lá chè vì lâu ngấm mà phải vò nhè nhẹ, tỉa nhặt những lá vàng, lá sâu. Lửa nấu nước chè là lửa đỏ đều, không to quá mà cũng không nhỏ quá. Củi nấu nước phải dùng thứ củi nấu không làm phai mất vị nước chè như: củi bạch đàn, củi xoan đâu, củi tre...
Khi nồi nước chè đã sôi, lấy gáo nhận chè cho chìm xuống, sau đó đổ thêm vài ba gáo nước lã vào rồi hạ lửa. ít phút sau đó sẽ có ấm nước chè vừa chát, vừa thơm, vừa nóng, vừa xanh.
Những người nghiện nước chè xanh thường nói vui là uống nước "năm cho" nói trệch là "năm trò" tức là: cho chát, cho xanh, cho thơm, cho nóng, cho vui. Nước chè ngon là nước chát, uống vào lúc đầu nghe chát, ngấm vào thấy ngòn ngọt thật khoái miệng. Nước chè vừa ngọt vừa có màu xanh nái trông thật sướng mắt. Hương nước chè xanh bốc lên nghe thoang thoảng mùi chè xanh khá hấp dẫn. Khi uống phải đông mới vui, vừa uống vừa nói chuyện thì thật là lý tưởng. Người nghiện chè xanh sáng sớm chưa ăn gì, không chỉ uống 3 - 4 bát cho tỉnh người rồi đi làm việc. Có người đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, họ pha mật mía với chè xanh đặc uống vào thấy khoẻ người ngay.
· Kẹo Cu Đơ
Người xứ Nghệ nói đến chè xanh mà không nhắc đến kẹo cu đơ thì quả là thiếu sót. Vậy keo Cu Đơ như thế nào và tại sao gọi là kẹo Cu Đơ?
Theo nhiều người kể, Cu Đơ là một nhân vật vốn có tên là cu Hai. Vì số 2, tiếng Pháp gọi là " đơ" (deux) do đó người ta gọi đùa ông là Cu Đơ, để đối chọi một cách nghịch ngợm với cái tên Đờ - cu (Decoux) - viên toàn quyền bại trận ở Đông Dương thời Đại chiến thế giới thứ hai, vốn dĩ mang cái chất thiếu thanh lịch khi nghe gọi qua ngôn ngữ Việt Nam.
Cu Hai, người Hương Sơn nấu kẹo lạc vào hồi sơ tán lần thứ nhất, để bán tại một quán nước chè xanh do ông bán. Sáng kiến của ông là dùng bánh tráng thay cho miếng giấy lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay. Sáng kiến này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, vừa sạch sẽ, vừa đỡ mất công bóc giấy mà ăn lại vừa ngon, giòn, rất khoái khẩu. Từ đó nhiều hàng kẹo khác bắt chước và cái tên Cu Đơ được chấp nhận như tên một nhãn hiệu.
Khách xa về thăm quê vừa nhâm nhi kẹo Cu Đơ vừa uống nước chè xanh mới thấy tuyệt. Vị ngọt của kẹo, vị thơm của chè xanh, đượm chát, vị bùi của hạt lạc....Tất cả quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng của Thành Vinh - Xứ Nghệ.
· Chính trị: Chu Huy Mân, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Thị Minh Khai (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định), Lê Viết Thuật (Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ); Lê Mao (Bí thư Xứ ủy Trung kỳ năm 1930)
· Khoa học: Nguyễn Xiển, Nguyễn Khánh Toàn
· Văn học - Nghệ thuật: Nguyễn Văn Tý, Chính Hữu, Thanh Tâm Tuyền,
Giáo dục và Đào tạo:
Thành phố Vinh là một trong 3 trung tâm giáo dục & đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 8 trường đại học, 13 trường cao đẳng và nhiều phân hiệu, cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề và hàng trăm trường học từ bậc học phổ thông tới ngành học mầm non. Sắp tới trên địa bàn thành phố Vinh sẽ có thêm các trường Đại học cấp khu vực được thành lập, nâng cấp như: Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - Phân hiệu 2, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Vinh, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Vinh, Đại học Kỹ thuật- Công nghiệp Việt - Hàn, Đại học Nghệ An, Học viện Kiểm toán Việt Nam,....
Tổng số sinh viên các trường ĐH,CĐ,TC: gần 100 ngàn người (năm 2011).
Đại học và Cao đẳng:
· Trường Đại học Vinh (1959) - Đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam
· Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (2006)
· Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân (2008)
· Trường Đại học Y khoa Vinh (2010)
· Trường Đại học Công nghiệp Vinh (2013 [3]
· Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (2014).[4]
· Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ sở Nghệ An (2008)
· Trường Đại học Điện Lực (cơ sở Miền Trung)[5][6]
· Trường Cao đẳng du lịch - thương mại Nghệ An (đang trong lộ trình nâng cấp lên ĐH Du Lịch - Thương mại Nghệ An.(www.cddltm.edu.vn)
· Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An (đang trong lộ trình nâng cấp lên ĐH Nghệ An)
· Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An (đang trong lộ trình nâng cấp lên ĐH Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Vinh)
· Trường Cao đẳng Hữu nghị Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (đang trong lộ trình nâng cấp lên ĐH Kỹ thuật Việt - Hàn)
· Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung (đang trong lộ trình nâng cấp lên ĐH GTVT Bắc Miền Trung)
· Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt - Đức (Trường trọng điểm quốc gia, đang trong lộ trình nâng cấp thành Trường Đại học Kỹ thuật Việt - Đức)
· Trường Cao đẳng Hàng hải Vinalines [7]
· Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1 (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam)
· Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc Phòng
· Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Anh (năm 2010)
· Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Lilama 2
· Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (Phân hiệu tại TP Vinh)
· Trường Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật Thái Nguyên (phân hiệu tại TP Vinh)
· Trường Cao đẳng Bách Nghệ Hải Phòng (Phân hiệu tại TP Vinh)
· Trường Cao đẳng công nghiệp Huế (cơ sở Vinh)
· Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex (cơ sở Vinh)
...
Trường Trung cấp:
· Trường Trung cấp Kinh tế Việt - Úc
· Trường Trung cấp Kinh tế Kĩ thuật công nghiệp Vinh
· Trường Trung cấp Kĩ thuật Tin học Phương Đông
· Trường Trung cấp Kĩ thuật Xây dựng 6 (Bộ Xây dựng)
· Trường Trung cấp Tiểu thủ công nghiệp Vinh
· Trường Trung cấp dạy nghề Hồng Phúc
· Trường Truyền thông VTC
Trường Phổ thông:
· Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu
· Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh
· Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Vinh 1)
· Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Vinh 2)
· Trường Trung học phổ thông Lê Viết Thuật (Vinh 3)
· Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ
· Trường Trung học phổ thông Herman Gmainer
· Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ
· Trường Trung học phổ thông Hữu Nghị
· Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi
· Trường Trung học phổ thông VTC
· Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục -Thể thao
· Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú số 1 Nghệ An
· Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú số 2 Nghệ An
Hệ thống Y tế:
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 30 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, cùng nhiều trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khác.
Hệ thống bệnh viện tại thành phố hiện nay:
1. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Bắc Trung Bộ (700 giường - hoàn thành năm 2012)
2. Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan (700 giường)
3. Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn (300 giường)
4. Bệnh viện Giao thông Vận tải miền Trung
5. Bệnh viện Phụ sản Quốc tế TP.Vinh (hoàn thành năm 2012)
6. Bệnh viện Răng Hàm Mặt và phẫu thuật thẩm mĩ Thái Thượng Hoàng
7. Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng
8. Bệnh viện chấn thương - chỉnh hình
9. Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
10. Bệnh viên Tâm thần Nghệ An
11. Bệnh viện Y học Dân tộc Nghệ An
12. Bệnh viện Lao và bệnh phổi Nghệ An
13. Bệnh viện Quân y IV
14. Bệnh viện Nhi Nghệ An
15. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
16. Bệnh viện 115
17. Bệnh viện Mắt Nghệ An
18. Bệnh viện Mắt Vinh - Sài Gòn
19. Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh
20. Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao Cửa Đông
21. Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông 1
22. Bệnh viện Đa khoa Thái An
23. Bệnh viện Đa khoa Đông Âu
24. Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Minh Hồng
25. Bệnh viện Y học Cổ truyền Thượng Thọ Đường
26. Bệnh viện Y học hạt nhân và Ung bướu BTB
27. Bệnh viện Công an tỉnh Nghệ An
28. Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An
29. Trung tâm y tế TP Vinh
30. Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An
31. Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em-kế hoạch hóa gia đình Nghệ An
32. Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em-kế hoạch hóa gia đình MARIE STOPES
33. Trung tâm phòng chống sốt rét và ký sinh trùng
34. Trung tâm Phòng chống da liễu Nghệ An
35. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS
36. Trung tâm giám định Y khoa
37. Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm-mĩ phẩm Nghệ An
38. Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Nghệ An
39. Trung tâm Giám định pháp y Tâm thần Nghệ An
Thể dục - Thể thao:
Lĩnh vực thể dục thể thao thành phố Vinh hoạt động sôi nổi và quy mô ngày càng mở rộng. Hiện có Sân vận động Vinh do ngành TDTT quản lý có sức chứa 30.000 người; Sân vận động Quân khu 4 có sức chứa 10.000 chỗ; nhiều Nhà thi đấu đa chức năng của tỉnh, thành phố, QK4, các trường đại học,...; các bể bơi, nhà tập luyện, sân bóng chuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế...; (đến 8/2010, Thành phố có 30 sân tennis, 345 sân cầu lông, 62 nhà thi đấu, 95 sân bóng chuyền,... hầu hết các phường, xã đã có sân vận động)[25]. Khu Liên hợp thể thao của thành phố đã được đầu tư xây dựng quy mô cấp khu vực. Chính sách lâu dài của thành phố là tiếp tục thực hiện xã hội hoá TDTT đồng thời chú trọng vào các bộ môn thể thao thành tích cao đặc biệt là bóng đá, đóng góp thành tích cho thể dục - thể thao nước nhà.
Tại Vinh hiện nay có 1 câu lạc bộ bóng đá đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp:
1.Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An
Trung tâm & Viện nghiên cứu Khu vực:
Tại TP Vinh tập trung nhiều cơ quan cấp vùng về Chính trị, An ninh-Quốc phòng, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội, Giáo dục - Y tế,.... Có thể kể tên một số cơ quan:
· Bộ Tư lệnh Quân khu 4
Địa chỉ: Đường Lê Duẩn - TP Vinh
· Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Phường Hưng Bình - Thành phố Vinh
· Trung tâm Phát hành sách Bắc miền Trung
Địa chỉ: đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố Vinh
· Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: xã Hưng Đông - Thành phố Vinh
· Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: đường Nguyễn Sỹ Sách - Thành phố Vinh
· Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: 144, Lê Hồng Phong - Thành phố Vinh
· Viện nghiên cứu Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: 182 Lê Duẩn - Thành phố Vinh
· Viện Quy hoạch Kiến trúc Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Đại lộ Lê Nin - Thành phố Vinh
· Xí nghiệp đảm bảo an toàn hàng hải khu vực Bắc Trung bộ
Địa chỉ: Số 4 Đường Ngư Hải - Thành phố Vinh
· Kiểm toán Miền Trung
Địa chỉ: đường Trường Thi - Thành phố Vinh
· Trung tâm Tần số Vô tuyến điện Khu vực 6
Địa chỉ: đường 3/2 - Thành phố Vinh
· Công viên phần mềm VTC
Địa chỉ: Đại lộ Lê Nin Thành phố Vinh
· Viện Ngôn ngữ Quốc tế Vạn Xuân
Địa chỉ: Đường Quang Trung - Thành phố Vinh
· Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Đường Trần Phú - Thành phố Vinh
· Khu Quản lý đường bộ 4
Địa chỉ: Số 58 Phan Đăng Lưu - Thành phố Vinh
· Ban quản lý dự án 4 - Bộ Giao thông
Địa chỉ: Số 45A đường Lê Nin - Thành phố Vinh
· Ban quản lý dự án 85 (PMU 85)- Bộ Giao thông
Địa chỉ: Số 184 Nguyễn Sỹ Sách - Tp.Vinh - Nghệ An
· Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 4 - Bộ Nông nghiệp - PTNT
Địa chỉ:Số 69 Trần Phú - TP. Vinh
· Ban quản lý các dự án Thủy điện BTB - Bộ Công thương
Địa chỉ: Đường 3/2 - TP Vinh
· Ban quản lý các dự án Nhiệt Điện điện BTB - Bộ Công thương
Địa chỉ: Số 2 Duy Tân - TP Vinh
· Trung tâm điều hành sản xuất các nhà máy điện BTB - Bộ Công thương
Địa chỉ: Số 4 Duy Tân - TP Vinh
· Công ty hoa tiêu hàng hải khu vực VI - Bộ giao thông vận tải
Địa chỉ: Số 41 Đinh Lễ - TP Vinh
· Trung tâm thú y vùng 3
Địa chỉ: Số 51, Nguyễn Sinh Sắc - Thành phố Vinh
· Trung tâm bảo vệ thực vật vùng Khu IV
Địa chỉ: Số 28 Đường Trần Phú, Phường Hồng Sơn, Thành Phố Vinh
· Phân Viện nghiên cứu và nuôi trồng thuỷ sản Bắc Trung Bộ
· Chi cục bảo vệ thực vật vùng khu IV
· Địa chỉ: Số 28B Đường Trần Phú - Thành phố Vinh
........................
- Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Vinh (mới)
- TP Vinh quyết tâm xây đựng đô thị văn minh
- Từ “Vịnh” đến “Vinh”
- Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
- Tháo 'mạng nhện', cắt bỏ 'chướng ngại vật' cho tuyến đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh)
- Phường phía Nam thành phố Vinh chỉ ra tồn tại trong 5 dự án khu đô thị, yêu cầu chủ đầu tư xử lý dứt điểm
- QĐ số 8983/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng khu thương mại và dịch vụ tổng hợp Khang Bình tại phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh (31/12/2024)
- Quyết định số 7470/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Lê Hồng Văn - Nguyễn Thị Minh Huệ tại Xóm Xuân Hùng, Xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7486/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Lê Đức Mạnh tại xóm Đức Thọ, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7483/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Dương Thị Thủy tại xóm Đức Thọ, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7485/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Đặng Quang Hợi - Nguyễn Thị Hồng Ngân tại xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7509/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc chuyển mục đích sử dụng đất cho ông, bà: Phạm Thị Triều tại xóm 6, xã Nghi Phú (19/12/2024)
- Quyết định số 7523/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Nguyễn Duy Bình - Nguyễn Thị Thủy tại xóm 19, xã Nghi Phú (19/12/2024)
- Quyết định số 7522/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Nguyễn Ngọc Xuân - Trần Thị Phước tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc (19/12/2024)
- Quyết định số 7521/QĐ-UBND ngày 19/12/2024 Về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông (bà): Nguyễn Tất Đạt - Phùng Thị Hà tại xóm 23, xã Nghi Phú (19/12/2024)
- Số 238/KH-UBND ngày 25/11/2024 của UBND thành phố Vinh mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC (25/11/2024)
Tiến độ giải quyết hồ sơ
- content: