Thông báo

Phát huy hiệu quả thiết chế văn hoá - thể thao trên địa bàn thành phố Vinh

content:

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở đô thị Vinh có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là nơi giữ vị trí nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đáp ứng được nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh xây dựng con người thành phố Vinh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thực hiện Quyết định số 2164/QÐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020 định hướng đến năm 2030”, Thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch, triển khai quy hoạch, lồng ghép với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng đô thị văn minh như: Nghị quyết 06 NQ/Th.U của Thành ủy Vinh về xây dựng và phát triển văn hóa đô thị thành phố Vinh, Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hoá, khối xóm văn hoá gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2019-2023; Chương trình phát triển sự nghiệp thể dục thể thao giai đoạn 2016-2020, Chỉ thị 02/CT-ThU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị...

Thiết chế Văn hóa  phường Bến Thủy

Cùng với sự đồng thuận của nhân dân, sự chung tay, góp sức của trong việc xã hội hóa; Hiện nay bộ mặt thiết chế, văn hóa thể thao cơ sở đã có những thay đổi rất rõ rệt, mang lại nhiều giá trị tích cực để người dân thụ hưởng; khẳng định được vị trí trung tâm của Tỉnh và hướng đến là Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trong hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa.

Bên cạnh đó, thiết chế, văn hóa thể thao cơ sở đã và đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Ðảng, Nhà nước; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đào tạo, ngày càng nâng cao trình độ nghiệp vụ, cũng như hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chất lượng hoạt động ở các thiết chế, việc tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, phường, khối xóm ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thông tin cổ động, đọc sách, xây dựng nếp sống văn hóa được tổ chức khá đều đặn. Hàng năm, mỗi xã, phường tổ chức được từ 20 đến 30 buổi hoạt động tại chỗ trong đó hơn 5 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng; 5 - 8 cuộc thi đấu thể thao thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Các hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao khối, xóm chủ yếu do Chi đoàn Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Nông dân… tổ chức, thu hút người dân tham gia ngày càng đông đảo, như tổ chức cưới theo nếp sống văn minh tại nhà văn hóa xóm, chúc thọ người già, tổ chức lễ hội, triển khai các vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự, ngày Tết dành cho thiếu nhi, sinh hoạt Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, xây dựng và tôn vinh gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa và thể thao ở cơ sở trên địa bàn Thành phố phần lớn được xây dựng khá khang trang, cơ bản phù hợp công năng sử dụng. Các phường, xã đã chủ động phát huy các nguồn lực trong nhân dân, tự khai thác, tìm cách tạo nguồn kinh phí ngoài ngân sách Thành phố. Cấp uỷ, chính quyền các phường, xã đã đề ra những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp với thực tế như chỉ đạo giải phóng mặt bằng, chuyển đổi quỹ đất để xây dựng các nhà văn hoá-khu thể thao khối xóm; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao vào Nghị quyết của cấp uỷ, kế hoạch hoạt động hàng năm... Vì thế trong thời gian gần đây phong trào xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từng bước hiện đã đã được nhiều phường, xã quan tâm như thiết chế thể thao có phường Trung Đô, phường Hưng Dũng, xã Nghi Kim, xã Hưng Chính…; xây dựng Nhà văn hóa, Hội trường có phường Hà Huy Tập, phường Vinh Tân, phường Đội Cung, xã Hưng Lộc, xã Nghi Ân …Đến nay Thành phố đã có 100% khối xóm có nhà văn hoá, trong đó có trên 80%  các nhà văn hoá khối, xóm đã được đầu tư nâng cấp và xây mới với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Có 21/25 phường xã có thiết chế văn hoá thể thao đồng bộ. Nhà thi đấu gắn TDTT thành phố tại phường Hà Huy Tập với diện tích 10.000m2 đã đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu và tổ chức sự kiện nhiều sự kiện quan trọng của Thành phố và Tỉnh. Xây dựng mới và nâng cấp 16 sân vận động cấp phường, xã với quy mô diện tích từ 3000m2 đến 8.000m2; đầu tư xây dựng 663 sân thể thao tại các khối, xóm. Nhiều nhà văn hoá ở các khối xóm đã kêu gọi xã hội hoá, mua sắm, đầu tư các dụng cụ thể thao, từ đó thu hút động đảo nhân dân đến tập luyện và vui chơi. Bên cạnh đó trên địa bàn thành phố còn có hơn 152 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao, đây cũng là hạ tầng quan trọng trong việc bổ trợ cho các thiết chế văn hóa, thể thao do nhà nước quản lý.

Đoàn thành phố kiểm tra thiết chế văn hóa tại phường Hưng Bình

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Qua kết quả rà soát, khảo sát thực tế tại cơ sở, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập xóm tổ hiện nay, nhiều Nhà văn hóa khối, xóm không đảm bảo diện tích, quy mô xây dựng đáp ứng với số dân tăng lên sau sáp nhập; nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân tăng cao; công tác vận động Nhân dân đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị tại thiết chế gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Thành phố vẫn chưa có sân vận động, chưa có bể bơi cố định..Hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có nơi chưa hiệu quả. Một số nhà văn hóa-khu thể thao khối, xóm được xây dựng từ lâu nên quy mô nhỏ, trang thiết bị đang xuống cấp. Kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao và việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao của người dân. Hiệu quả của công tác xã hội hóa đối với việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại một số nơi còn khó khăn. 

          Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, chúng tôi xin trao đổi về một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

          Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa để có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

          Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; tạo sự đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch các thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa công cộng. Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người, bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích.

          Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ… Trong đó, cần tập trung xây dựng các chính sách đào tạo đội ngũ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ trong các thiết chế văn hóa; chính sách đãi ngộ; cán bộ văn hóa có trình độ, chính sách khuyến khích các thành thần kinh tế, tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tham gia hoạt động văn hóa ở cơ sở.

          Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Để triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy vai trò, chức năng của hệ thống thiết chế văn hóa trong đời sống văn hóa xã hội của nhân dân theo hướng hiệu quả và thiết thực hơn nữa, bên cạnh các nhóm giải pháp đã nêu, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, huy động hiệu quả các nguồn lực với hành lang pháp lý rộng mở, hoàn thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh, văn minh.

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Hiện có: 1155
Tổng: 2175966