Từ “Vịnh” đến “Vinh”
- content:
Từ trong lịch sử, ngay từ khi chưa trở thành lỵ sở của Nghệ An, Vinh, với Chợ Vĩnh đã được biết đến như một nơi đô hội, một nơi “đất lành chim đậu” cho người tứ phương, trong đó có cả người nước ngoài đến sinh cơ lập nghiệp.
Chợ Vinh đầu thế kỉ 20 Từ đời Trần cho đến cuối thế kỷ 19, lỵ sở của Nghệ An vẫn đóng ở Lam Thành - Phù Thạch. Vinh lúc ấy chỉ là một đồn lũy nhằm bảo vệ cho lỵ sở. Tuy nhiên, tại đây cũng đã có các hoạt động thương mại, nghề thủ công, giao lưu văn hóa khá nhộn nhịp, mà nổi bật là chợ Vĩnh. Từ thời Lê, chợ Vĩnh đã là chợ trung tâm cho cả vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Sách Thiên Nam tứ chi lộ đồ, một sách địa lý biên soạn từ thời Lê đã có ghi: “Chợ Vĩnh, một chợ lớn ở Nghệ An”. Đặc biệt, chợ Vĩnh vừa gần biển, kề sông Lam, lại nằm trên huyết lộ giao thông thủy quan trọng nhất được khai phá từ thời Tiền Lê (kênh Nhà Lê), lại gần cảng Chính Đích (Cầu Đước) do vua Lê Đại Hành xây dựng từ năm 1031, cho nên không chỉ có người Nghệ Tĩnh, mà cả các lái buôn từ ngoài Bắc, trong Nam và cả từ miền thượng du cũng thường xuyên đến buôn bán ở chợ Vĩnh. Như vậy, tính ra đến lúc đó chỉ riêng quanh chợ Vĩnh đã có hàng ngàn người sống bằng nghề buôn bán.
Tuy vậy, dù đã khá sầm uất và nổi tiếng, nhưng khi đó Chợ Vinh (Chợ Vĩnh) vẫn chỉ là chợ quê, chưa phải là chợ tỉnh. Năm 1804, Vua Gia Long xuống chiếu cho Tả quân Lê Văn Duyệt xây thành, đắp lũy để chuyển lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vinh. Theo đó, chợ Vĩnh cũng được nâng cấp từ chợ làng, chợ xã của tổng Ngô Trường, thành chợ trấn của Nghệ An (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh). Tuy nhiên, vấn đề không phải là sự “nâng cấp hành chính” của chợ Vinh, mà quan trọng hơn là sau khi lỵ sở của Nghệ An được chuyển về Vinh, thì hầu như ngay lập tức hàng trăm hộ buôn bán, trong đó phần lớn là người Hoa cũng chuyển từ Lam Thành - Phù Thạch về quần cư xung quanh khu vực chợ Vinh để làm ăn buôn bán. Thậm chí có tài liệu cho rằng: Ở Lam Thành - Phù Thạch người Hoa đã lập nên Phố Khách, khi về Vinh cả Phố Khách đó cũng chuyển về quần cư trên con đường từ đường thiên lý Bắc - Nam (sau này gọi là Quốc Lộ I) chạy thẳng vào Chợ Vinh. Ngoài ra, rất nhiều gia đình người Hoa khác cũng cư trú khu vực xung quanh chợ Vinh, nhất là dọc theo đường bờ sông (nay là đường Lê Hồng Sơn). Họ đã tạo nên một “tiểu văn hóa Trung Hoa” tại khu vực này, trong đó có đền Nhà Ông (Võ Miếu) và đền Nhà Bà (Thiên Hậu Cung), Hội quán Hoa Kiều, trường học, rạp hát của người Hoa... Đầu thế kỷ 19, sách Đại Nam thực lục ghi: “Giữa mùa gió lào năm Mậu Thân (1808) phố chợ ngoại thành Nghệ An thất hỏa, cháy lan ra hơn 280 hộ”. Điều này chứng tỏ khi đó khu vực này đã rất sầm uất.
Như vậy, có thể nói Phố Khách chính là con phố đầu tiên của Vinh, với tư cách một đô thị. Con phố này gắn liền với Chợ Vinh, tạo nên yếu tố đầu tiên của đô thị Vinh, đó là yếu tố “Thị”.
Phố Khách, con phố đầu tiên của đô thị Vinh, ra đời từ năm 1802, ảnh chụp đầu thế kỷ 20, ảnh của P. Dieuleffils Nếu Chợ Vinh là yếu tố “thị”, thì thành Nghệ An chính là yếu tố “đô” và yếu tố “thành” trong ba yếu tố tạo nên đô thị Vinh. Thành Nghệ An là nơi đặt trụ sở của chính quyền Nam Triều tỉnh. Đồng thời thành, với nghĩa đen là thành lũy, thành quách cũng chính là một công trình phòng thủ quan trọng để bảo vệ chính quyền.
Năm 1804, khi lị sở của Nghệ An chính thức dời từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên, thành Nghệ An cũng được xây dựng bằng đất. Đến năm 1831, vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng. Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000m2, bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m). Dưới hào thành trồng rất nhiều sen. Thành Nghệ An có ba cửa là Cửa Tiền, Cửa Tả và Cửa Hữu. Trên cổng Cửa Tiền còn lưu lại đôi câu đối của danh nhân Đào Tấn, người từng hai lần giữ chức Tổng đốc Nghệ An.Mặc dù đã đủ ba yếu tố là “thị” “đô” và “thành”, nhưng suốt 80 năm Vinh vẫn không phát triển được, vẫn chỉ là một lị sở của một tỉnh nông nghiệp, trong chế độ quân chủ.
Theo “Nghệ An tỉnh thành đồ”, in trong sách Đồng Khánh dự địa chí (năm 1886 -1887), ta có thể hình dung diện mạo Vinh trước khi người Pháp đến. Ở trung tâm là thành Nghệ An, hình con rùa sáu cạnh, có bốn tuyến đường vuông góc với nhau bao quanh. Các con đường bao quanh thành Vinh ngày ấy chính là các đường Quang Trung, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo và đường Phan Chu Trinh ngày nay. Ngoài ra con đường từ Ngã tư Vinh xuống trạm Yên Dũng cũng là một con đường cổ mà ngay nay là đường Trần Phú. Từ thành Vinh có đường giao thông chạy từ Cửa Tiền qua sông Vinh về phía Phù Thạch. Từ cửa Hữa có đường ra Cổng Chốt để sang Hưng Nguyên. Từ cửa Tả có đường ra đường quan. Nhưng phía Bắc không có cổng thành nên không có đường. Ở sau đó có khu binh tượng (nuôi voi).
Sông Vinh (Vĩnh Giang) uốn quanh co nhiều khúc lượn sát đền Tam Tòa và đền Quan Công. Con đường Hồng Sơn ngày nay thời đó chỉ là một đường ven sông, khu vực đất trống phía ngoài giữa đền Quan Công và đền Tam Tòa chính là Vĩnh Thị (chợ Vinh). Từ thành có kênh dẫn nước nối từ hào thành ra sông Vinh, mà nơi tiếp nối là gần khu vực nhà thờ Cầu Rầm.Phải có một cú hích lớn là sự đầu tư về công nghiệp và thương mại theo hướng hiện đại thì Vinh mới có sự phát triển đột biến.
Sách “L'empire d'Annam” (Đế chế An Nam, xuất bản năm 1904), cho biết: Trước tình huống phải truy lùng gắt gao vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng trên các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, trong khi ở Nghệ An người Pháp chưa thiết lập được sự cai trị, nên “có một nhu cầu khẩn cấp để chiếm giữ thành Vinh, để cài đặt chính quyền của chúng ta trong suốt phần này của đế chế. Vào ngày 7 tháng 8, Trung tá Chaumont, từ Đồng Hới trở về Tourane, bắt tay với ba đại đội bộ binh biển, trên ba tàu chiến và hai ngày sau rời Huế, hải đội thả neo trước cửa sông Vinh. Vào ngày 10 tháng 8, quân đội tiến vào thành[1] trong sự chứng kiến của các quan lại, và dân chúng đã đổ xô đến gặp”.
Như vậy, theo sách này thì quân Pháp đã chiếm thành Nghệ An mà không gặp sự chống cự nào. Thế nhưng, theo Le Breton, khi quân Pháp từ Cửa Hội tiến vào Vinh thì súng thần công trên thành Bến Thủy đã tấn công pháo hạm Pháp. “Lần cuối, vào tháng 8 năm 1885, súng thần công thành này đã nhả đạn vào pháo hạm Pháp, nhưng hải quân của chúng ta đã đánh bại họ sau một cuộc đánh giáp lá cà đầy thắng lợi”[2].
Ngay sau khi Pháp chiếm thành Nghệ An, Jean Dupuis, một thương gia, đồng thời cũng là một tên thực dân khét tiếng hiếu chiến đã đặt chân xuống Bến Thủy [3]. Tại đây ông đã dựng lên một chiếc lều để thu mua và kinh doanh gỗ. Chiếc lều Bến Thủy của J. Dupuis đã mở đầu cho một trào lưu đầu tư mạnh mẽ vào Vinh - Bến Thủy nói riêng, Nghệ An nói chung. Hàng loạt nhà máy cưa, nhà máy gỗ, nhà máy diêm, hãng rượu, nhà máy đồ hộp, nhà máy điện, nhà máy xe lửa… được xây dựng. Sau khoảng 30 năm, dân số khu vực này từ 5.000 người tăng lên 10.000, 12.000 rồi 20.000 người. Đồng thời, hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không từ Vinh - Bến Thủy đi các nơi cũng được xây dựng.
Năm 1899, Vinh đã được mô tả là: “Vinh cách Huế 400 cây số và cách Hà Nội 296 cây số, có 40 người Âu, 161 người Hoa, 12000 người Việt, là tỉnh lỵ Nghệ An. Cách đây hai năm Vinh đã trở thành một thành phố thực sự có những con đường rải đá thẳng xinh đẹp, những đường phố có nhiều hiệu buôn của người Trung Hoa và người Việt Nam và những hiệu làm nghề thủ công, như đồ sắt, đồ thêu, làm lọng, làm đồ mã, buôn gỗ nứa. Khu vực người Hoa kiều ở có nhiều nhà gác cao đẹp, sân xây bằng đá san sát đều nhau”[4]
Liên tiếp trên dải đất từ Vinh xuống Bến Thủy liên tiếp mọc lên các trung tâm đô thị.
Ngày 12/7/1899: Vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Vinh cùng với các đô thị khác là Thanh Hóa, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết.
Ngày 11/3/1914: Vua Duy Tân ra đạo dụ thành lập Trung tâm đô thị Bến Thủy.
Ngày 27/8/1917: Vua Khải Định ra đạo dụ thành lập Trung tâm đô thị Trường Thi.
Ngày 10/12/11927: Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Thành phố Vinh trên cơ sở sáp nhập ba trung tâm đô thị Vinh, Trường Thi và Bến Thủy.
Như vậy, chỉ trong khoảng trên dưới 30 năm (1899 - 1927) đô thị Vinh - Bến Thủy đã được định hình và phát triển thành một đô thị công nghiệp, thương mại có tầm cỡ ở Trung Kỳ. Đô thị Vinh thời kì này đã phát triển thuận theo quy luật: Công nghiệp, thương mại phát triển trước, tạo nhu cầu và tiền đề thu hút dân cư, thúc đẩy hạ tầng đô thị phát triển, dẫn đến thành lập đô thị nhỏ, nhiều đô thị nhỏ liên kết trở thành đô thị lớn. Đến những năm 1930 Vinh đã phát triển gần như hoàn thiện một mô hình đô thị, với các chức năng là trung tâm hành chính; trung tâm kinh tế (công nghiệp và thương mại); đầu mối giao thông; trung tâm phòng thủ.
Khoảng thời gian này cũng là thời gian mà tên gọi của đô thị đã chuyển từ “Vịnh” thành “Vinh”. Các nhà nghiên cứu và dân gian cùng nhất trí với nhau rằng: Từ khi người Pháp vào, tên Vịnh (hoặc Vĩnh) đã được ghi chép thành “Vinh”, vì tiếng Pháp không có dấu nặng. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn về quá trình tên gọi này, nhà nghiên cứu Bùi Thiết cho biết: Trong một cuốn sách của Hội truyền giáo hải ngoại, xuất bản ở Paris năm 1884, linh mục Piere Blanck khi viết về con đường thủy theo sông Lam đến Trấn Ninh (Lào) đã phiên âm tên Vịnh (hoặc Vĩnh) thành “Vigne” (đọc theo âm Pháp là “Vi-nhờ”). Đến năm 1889, trong cuốn L’Indochine Française De Lanessan chữ “Vigne” đã được thay bằng “Vinh” theo cách chép âm của chữ Quốc ngữ[5].
Những năm đầu thế kỷ 20, một số văn bản chính thức của chính quyền bảo hộ, sách, báo đều viết là “Vinh”. Tuy nhiên, trong khẩu ngữ của đời sống hàng ngày dân ta vẫn gọi thành phố của mình là “Vịnh” (hoặc “Vĩnh”). Cho đến năm 1926, trong cuốn sách “Hương chính chỉ nam”, do Tổng đốc Nghệ An xuất bản, tên của Vinh vẫn được viết là “Vịnh”. Những năm 1930 chữ “Vịnh” hầu như không còn thấy xuất hiện trên các văn bản hành chính hay báo chí nữa. Tuy nhiên, một trường hợp có thể là rất hiếm, đó là bài viết về những khẩu súng thần công ở thành Nghệ An của Le Breton (Bản Tin Những Người Bạn của Huế Xưa, năm 1934), mặc dù bằng tiếng Pháp, nhưng vẫn viết “Vịnh” với đầy đủ dấu.
Hành trình tên gọi từ Vịnh đến Vinh là như vậy. Nhưng, về bản chất của quá trình đô thị hóa, con đường từ “Vịnh” đến “Vinh” là con đường từ một đô thị nông nghiệp trở thành một đô thị công nghiệp theo hướng hiện đại.
[1] Từ trước đến nay các sách sử vẫn viết ngày 20/7/1885 quân Pháp đánh chiếm thành Nghệ An là không chính xác.
[2] Le Breton, An Tĩnh xưa, nxb Dân Trí, 2022.
[3] Về Jean Dupuis xin xem bài in trong tập sách này
[4] Sách Tổng quát Đông Dương (Annuaire général de l'IndoChine française) năm 1901.
[5] Bùi Thiết: Vinh Bến Thủy, nxb Văn hóa, 1984
Theo VHNA