Tin tức - sự kiện

Nhạc sĩ Lê Hàm của 'Vinh, thành phố bình minh' qua đời

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Lê Hàm vừa qua đời vào lúc 19h ngày 18/9 tại nhà riêng, hưởng thọ 91 tuổi.
content:

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Lê Hàm vừa qua đời vào lúc 19h ngày 18/9 tại nhà riêng, hưởng thọ 91 tuổi.

Ông ra đi để lại muôn vàn sự tiếc thương cho gia đình, người thân, đặc biệt là khán giả thành Vinh, nơi ông gắn bó và viết nên ca khúc “Vinh, thành phố bình minh" - ca khúc được gọi là thành phố ca.

Nhạc sĩ Lê Hàm sinh năm 1934, tại xã Diễn Hồng (Diễn Châu), thuở nhỏ ông đã có mối lương duyên đặc biệt với âm nhạc khi tự chế tác cây sáo tiêu từ cuống lá đu đủ để thổi nên những giai điệu từ lời ru ầu ơ của mẹ. Sau này đến những năm 1948 - 1951, Lê Hàm mới được học nhạc bài bản. Với năng khiếu nổi trội là sáo, ông quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc và trở thành văn công của Sư đoàn 320.

uploaded-thanhngabna-2023_09_29-_le-ham-noi-chuyen-ve-cuoc-doi-sang-tac-8369.jpg
Nhạc sĩ Lê Hàm lúc sinh thời. Ảnh: Thanh Nga

Những năm 1955 - 1961, ông theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi ra trường, ông được cử vào giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ cho chiến sĩ ta ở bờ Bắc sông Bến Hải.

Đến năm 1964, Lê Hàm được điều ra làm giáo viên giảng dạy ở Trường Nhạc họa Trung ương, nhưng liền sau đó, tỉnh Hà Tĩnh đã mời ông về làm Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh. Con đường âm nhạc của ông gắn với những cương vị liên quan đến môi trường nghệ thuật. Đó cũng chính là cơ duyên, là nguồn cơn cho những sáng tác mang tính ngẫu hứng nhưng lấp lánh tín hiệu cho dặm dài rực rỡ với âm nhạc về sau.

Chính trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, ông đã cho ra đời những ca khúc “Gái sông La”, “Những người chiến sĩ bến Phà”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”… Sau này, năm 1964, “Gái Sông La” - một trong những ca khúc đậm chất ví, giặm, điều ít thấy, ít xuất hiện trong các chùm ca khúc của ông, đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam; sau này chính là một trong những ca khúc trong chùm ca khúc mà ông được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước.

Từ 1970 đến năm 1977, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Ca múa Hà Tĩnh, Giám đốc Nhà Văn hóa lao động tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Nghệ An. Ông nghỉ hưu vào năm 1997.

Nhạc sĩ Lê Hàm cũng là người có công lớn trong việc điền dã, sưu tầm để tìm giai điệu cổ cho những câu ví, câu giặm Nghệ Tĩnh. Sau này, ông đứng tên chủ biên cho cuốn “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” được giới âm nhạc đánh giá cao.

Năm 1970, khi tập hợp được 30 bài hò, ví, giặm, ông được Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản tuyển tập Dân ca xứ Nghệ. Nó trở thành những tiết mục biểu diễn quen thuộc của các đoàn nghệ thuật 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Những bài hò như “Hò bơi thuyền”, hay các bài phát triển từ các điệu hát ví được Lê Hàm viết lại mà nhiều thế hệ hát dân ca sau này cứ ngỡ đó là những giai điệu gốc của Dân ca ví, giặm.

Nhắc đến “Vinh, thành phố bình minh”, người ta nghĩ ngay đến nhạc hiệu của Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Vinh, nghĩ đến khúc “Thành phố ca” của Vinh - thành phố trẻ sôi động và ân tình. “Vinh, thành phố bình minh” có giai điệu trữ tình, da diết nhưng lại rộn ràng, say mê, như cách mà người nhạc sĩ này cảm nhận về Vinh. Để rồi ngay từ những ngày đầu ra mắt cho đến hôm nay, nhắc đến Vinh, về với Vinh người ta đều muốn cất giai điệu tươi vui hào sảng “Vinh, thành phố bình minh”.

Trong cuộc đời sáng tác, ông có hơn 200 ca khúc, có những ca khúc dành cho thiếu nhi từng được tuyển chọn vào sách giáo khoa, đến những tổ khúc dành cho hợp xướng, nhưng với ông, những ca khúc như “Người mẹ Làng Sen”, “Vinh, thành phố bình minh”, “Gái sông La”, “Trẩy hội Làng Sen” là những ca khúc được nhiều khán giả say mê, được giới mộ điệu vinh danh trên nhiều sân khấu lớn, nhỏ

Năm 2022, nhạc sĩ Lê Hàm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho chùm tác phẩm âm nhạc: Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Việt Nam trong trái tim ta, Tiếng trống đêm trăng, Hà Tĩnh quê hương ta.-

Baonghean.vn