Nghệ An: Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan
- content:
Thành Chung
0:00/0:00
0:00
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, ca mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng, nhất là tỷ lệ chuyển nặng. Yêu cầu đặt ra là các ban, ngành, địa phương và người dân không được chủ quan, cần nghiêm túc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại.
Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày (từ 9-15/4), Việt Nam đã ghi nhận 2.653 ca mắc Covid-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm thống kê (có 2 ngày liên tiếp số ca mắc ở con số 780 và 775 ca/ngày). Trong khi các tuần trước đó, số mắc Covid-19 mỗi ngày chỉ vài ca, nếu cao nhất cũng chỉ vài chục ca/ngày (tuy nhiên, rất ít ngày số ca mắc ở con số vài chục).
Đã hơn 3,5 tháng liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 10 ca, trong đó: thở oxy qua mặt nạ có 8 ca, thở oxy dòng cao HFNC có 2 ca; riêng ngày 14/4, số bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ lên đến 22 ca - cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Trong tình hình chung, số ca mắc Covid-19 ở Nghệ An cũng đang tăng trong thời gian gần đây. Trong 8 ngày (từ 9 - 16/4), toàn tỉnh ghi nhận 51 ca mắc Covid-19 tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong số bệnh nhân này, có 8 bệnh nhân đang phải điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An; 16 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ở tỉnh không ghi nhận ca tử vong mới do Covid-19. Toàn tỉnh không có xã cấp độ dịch cấp 4, cấp 3 và cấp 2.
ADVERTISEMENT
Không ngừng đẩy mạnh công tác tiêm chủng
Nghệ An không ngừng nêu cao hiệu quả của tiêm vaccine trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo đúng thời gian quy định.
Cụ thể, tính đến ngày 15/4, đối với người từ 18 tuổi trở lên, toàn tỉnh đã có 2.051.563 người tiêm mũi 1 (chiếm tỷ lệ 104,6%); 2.041.149 người tiêm mũi 2 (chiếm tỷ lệ 104,1%); 1.966.609 người tiêm mũi 3 (chiếm tỷ lệ 100,3%, bình quân chung của cả nước là 81,0%); 366.453 người tiêm mũi 4 (chiếm tỷ lệ 99,0, bình quân chung của cả nước là 88,5%).
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Ảnh tư liệu: Thành Chung
Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, có 266.569 trẻ tiêm mũi 1 (chiếm tỷ lệ 104,8%); 259.920 trẻ tiêm mũi 2 (chiếm tỷ lệ 102,2%); 224.589 trẻ tiêm mũi 3 (chiếm tỷ lệ 88,3%, bình quân chung của cả nước là 71,4%)… Đối với trẻ từ 5 đến 11 tuổi, có 363.646 trẻ tiêm mũi 1 (chiếm tỷ lệ 98,1%, bình quân chung của cả nước là 94,7%); 298.645 trẻ tiêm mũi 2 (chiếm tỷ lệ 80,5%, bình quân chung của cả nước là 79,1%).
Trong 2 đợt tiêm 74 và 75 mới đây, Nghệ An cũng đã thực hiện tốt. Cụ thể, đợt 74 là vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, với số lượng 8.200 liều, cấp ngày 22/2; Nghệ An hiện đã tiêm hết số vaccine này. Đợt 75 là vaccine AstraZeneca tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, số lượng 15.000 liều, cấp ngày 22/2, tính đến ngày 15/4 còn tồn 770 liều tại thị xã Thái Hòa.
Nghệ An hiện là tỉnh có kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được Trung ương đánh giá cao. Riêng mũi 3 của nhóm từ 18 tuổi trở lên xếp vị trí thứ nhất. Các mũi tiêm của các nhóm tuổi xếp khoảng thứ 15-30 so với cả nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Nghệ An cũng còn những tồn tại, khó khăn, đó là: Người dân đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản, tiêm mũi bổ sung, đã mắc Covid-19 (bao gồm người không khai báo) không đồng ý tiêm nữa dù đã được vận động thường xuyên, liên tục. Với đối tượng tiêm chủng là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ phụ huynh chưa đồng ý cho các cháu tiêm chiếm tỷ lệ cao mặc dù ngành Y tế đã phối hợp ngành Giáo dục và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động.
Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19
Trước diễn biến gia tăng của dịch Covid-19, ngày 12/4, Bộ Y tế đã có Văn bản khẩn số 2116/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19… Ngày 14/4, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Văn bản số 2840/UBND-VX chỉ đạo các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố, cùng các đơn vị trong tỉnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố, cùng các đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, huy động chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Mọi người dân cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn), cũng như tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Cùng với đó, chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổ chức đánh giá cấp độ để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt, vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới; tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tại văn bản số 2840/UBND-VX chỉ đạo rõ: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo chủ động kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại.
Tiến sĩ Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Hiện nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân, cán bộ, đơn vị kinh doanh dịch vụ, sản xuất có tư tưởng chủ quan, không tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch. Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, mọi người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...