1. Cháo lươn Vinh
Lươn là đặc sản nổi tiếng xứ Nghệ và cháo lươn là món ăn du khách không thể bỏ qua khi đến thành phố Vinh. Cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình, cháo dê Ninh Bình… Lươn không ninh cùng cháo mà được bỏ vào sau khi ướp gia vị và xào nên rất ngấm mà không hề nát. Gạo nấu cháo được ninh nhừ nguyên hạt chứ không giã nhỏ hay xay, pha thêm chút nếp nên cháo thường khá sánh. Khi ăn, lươn trộn cùng cháo, thêm gia vị, tiêu, ớt, hành răm thái nhỏ dậy mùi. Ngoài cháo lươn, súp lươn cũng là món ăn được nhiều thực khách yêu thích. Cháo lươn, súp lươn có thể ăn với bánh mì, bánh mướt… đều ngon. Thưởng thức cháo lươn ngon nhất là vào tiết trời se lạnh để cảm nhận được rõ nét hơn vị thơm ngon, cay nồng trong từng bát cháo.
2. Nhút Thanh Chương
Được ví như “Kim chi xứ Nghệ”, nhút Thanh Chương là món ăn được làm từ xơ mít, nó có thể ăn vào mùa đông xào với thịt lăn, hoặc nấu một mình để có vị riêng. Nhút có vị chua chua giòn giòn, ăn rất đưa cơm, chỉ cần chút nước mắm làm nước chấm là đủ. Tuy là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình, nhưng đến nay, nhút đã trở thành đặc sản của xứ Nghệ được nhiều người khắp nơi biết đến.
3. Tương Nam Đàn
Tương là một trong những đặc sản truyền thống của người dân Nam Đàn. Nguyên liệu chính để làm tương toàn là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày: đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Tương Nam Đàn độc đáo ở chỗ nó là “tương mảnh”, hạt đậu làm tương chỉ xay vỡ thành “mảnh đậu” chứ không “nát như tương Bần”. Chai tương Nam Đàn không có mầu nâu như tương Bần, mà vàng sánh như mật ong. Những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm và ngọt lịm. Tương được dùng để chấm hoặc kho cá, đặc biệt là chấm rau muống hoặc rau lang gừng, kho cá sông, cá đồng với nồi đất Kẻ Trù.
4. Bánh mướt Diễn Châu
Bánh mướt Diễn Châu cũng nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội) vậy. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh được cuộn tròn với hành phi bên trong. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ – gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh mướt rất dễ ăn, bạn chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi cũng đã thấy ngon miệng. Nếu bạn dùng bánh mướt để đãi khách thì cũng có thể dùng kèm với bò nướng lụi, thịt lợn nướng, bò lá lốt mỡ chài, chả nem rán…
5. Bánh đa Đô Lương
Bánh đa có ở nhiều tỉnh thành tại nước ta, nhưng nhắc đến bánh đa miền Trung là nhớ ngay đến bánh đa Đô Lương của Xứ Nghệ. Chiếc bánh nhỏ nhắn, có đường kính khoảng 20 cm, bên trên rắc nhiều vừng đen nên khi ăn rất bùi và thơm. Ở Đô Lương, người dân thường nướng bánh đa bằng than hoa hoặc chiên với dầu ăn, mỡ để tạo nên chiếc bánh mỏng, nhẹ,
bèo; ốc niêu, bánh ướt hoặc ăn riêng chấm tương ớt cũng rất ngon.
6. Bánh ngào
Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên. Bánh ngào thường được thưởng thức vào lúc trời se lạnh, hay có chút mưa phùn. Bánh ngon nhất khi ăn nóng, múc ra từng bát nhỏ, vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết hương vị.
7. Cam xã Đoài
Đây là loại cam chỉ được trồng ở một vùng diện tích rất nhỏ thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Từ trước đến nay cam Xã Đoài vẫn được người dân quen gọi là cam tiến Vua, vì những người có điều kiện như vua chúa mới ăn được loại cam này. Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt. Khi bổ ra sẽ có vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong. Tại các nhà vườn, ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch thường đã có khách đến đặt mua. Cam chín rộ vào dịp trước Tết.
8. Giò me
Giò me là một đặc sản mới nổi gần đây của xứ Nghệ. Giò me (giò bê) được làm từ nguyên liệu chính là thịt me (thịt bê), bì me, trứng gà và các loại gia vị khác. Thịt me mềm, thơm ngon mà không khô, lớp bì me giòn kết hợp với vị đậm đà của gia vị, mùi thơm đặc trưng của giò, của hạt tiêu thật hấp dẫn. Ai từng thưởng thức món ăn đặc sản này sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng của nó. Giò me được dùng trong những ngày giỗ, tết, tiệc tùng, hay dùng làm quà biếu.
Nguồn: Wanderlust Tip
Nguồn tin: vinanet.vn