Một số nội dung mới trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ
Admin Tư pháp
Modified 1 Month ago.
View with size
Speak
Ngày 04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này có hiệu
lực thi hành từ ngày 04/10/2024. Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Điều 1 Nghị định số
04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều
của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài
nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ hết hiệu
lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
content:
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP có bốn chương, 36 điều (bao gồm: Chương I. những quy định chung; Chương II. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Chương IV. Điều khoản thi hành). Qua rà soát, tổng hợp Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ có một số nội dung mới sau:
1. Phạm vi điều chỉnh.
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; đối tượng bị xử phạt.
2. Về giải thích từ ngữ.
Tại Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cụ thể về hành vi lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất nên trong Nghị định số 123/2024/NĐ-CP không còn điều khoản giải thích từ ngữ như Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
3. Thời hiệu xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai.
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đều quy định: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt: Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP năm 2024 bổ sung quy định: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả mới cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2024, như:
+ Buộc thực hiện thủ tục để được phê duyệt dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn;
+ Buộc lập phương án sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
+ Buộc thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trồng lúa đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức.
5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP bổ sung quy định xác định mức phạt cụ thể căn cứ vào mức phạt của từng hành vi quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định hướng dẫn thi hành. Cụ thể:
+ Mức phạt cao hơn: Tăng mức phạt đối với hành vi không đăng ký đất đai lần đầu từ 1-2 triệu đồng, và không thực hiện đăng ký biến động đất đai lên đến 2-3 triệu đồng .
+ Xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất: Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất sẽ bị phạt lên đến 1 tỷ đồng đối với tổ chức và 500 triệu đồng đối với cá nhân. Mức phạt cụ thể cho từng hành vi lấn đất thuộc các loại hình đất khác nhau đã được quy định chi tiết.
+ Xử phạt các hành vi vi phạm khác: Các hành vi như không đăng ký biến động đất đai, xâm phạm quyền sử dụng đất cũng có mức phạt nghiêm khắc. Ví dụ, lấn, chiếm đất nông nghiệp sẽ bị phạt từ 5-200 triệu đồng tùy vào từng trường hợp cụ thể.
6. Xử phạt trong trường hợp chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn quyền sử dụng đất.
Bên cạnh việc kế thừa các quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, Nghị định số 123/2024/NĐ-CP bổ sung việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp có giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn quyền sử dụng đất, theo đó: Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất, nếu bên chuyển quyền là Tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác mà được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì bên nhận chuyển nhượng không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền gây ra.
7. Về số lợi bất hợp pháp
Cơ bản Nghị định số 123/2024/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 về cách tính số lợi bất hợp pháp trong trường hợp lấn, chiếm, chuyển mục đích…
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP còn bổ sung quy định trường hợp hành vi vi phạm do nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện trên cùng một thửa đất thì số lợi bất hợp pháp phải thu được chia đều cho các tổ chức, cá nhân vi phạm (Điều 6).
8. Xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được xác định theo người sử dụng đất, loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 và theo hiện trạng sử dụng đất trước khi vi phạm (địa hình, địa vật, công trình trên đất) và được ghi nhận tại biên bản vi phạm hành chính.
Việc xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu có thể hiện tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp không có hồ sơ, tài liệu thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác minh tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên cơ sở ý kiến trình bày của người vi phạm và ý kiến của UBND cấp xã (Điều 7).
9. Bổ sung Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã
Nghị định số 123/2024/NĐ-CP bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả Chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính (Điều 30).
10. Quy định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP gồm:
- Người có thẩm quyền xử phạt;
- Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra cấp tỉnh thành lập, công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp đang thi hành công vụ;
Công chức, viên chức kiểm lâm đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến lâm nghiệp. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Nghị định này (Nghị định số 123/2024/NĐ-CP); người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
- Đối với người có thẩm quyền đang thi hành công vụ không thuộc các chức danh nêu trên hoặc không thuộc địa bàn quản lý của mình mà phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền để lập biên bản vi phạm hành chính.