Dấu ấn mới về giao thông ở đô thị Vinh

Nhiều công trình giao thông quan trọng ở TP Vinh đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư cho thành phố nói riêng, Nghệ An nói chung.
content:

Trân Châu 

Nhiều công trình giao thông quan trọng ở TP Vinh đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư cho thành phố nói riêng, Nghệ An nói chung.

Phát triển giao thông đối ngoại đô thị

Cầu Hưng Đức vượt sông Lam trên cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Trân Châu
Cầu Hưng Đức vượt sông Lam trên cao tốc Bắc - Nam nằm gần thành phố Vinh. Ảnh: Trân Châu

Thành phố Vinh trải qua quá trình phát triển đã có một hệ thống giao thông đối ngoại rất thuận lợi với các tuyến quốc lộ theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Đó là Quốc lộ 1A chạy xuyên qua trung tâm thành phố với chiều dài 15 km, Quốc lộ 1A đoạn tránh ở phía Tây nhằm giảm tải giao thông trong khu vực trung tâm, cùng đó có Quốc lộ 46, Quốc lộ 46B, Quốc lộ 46C, đường tỉnh 535B, đường tỉnh 542B,...

Đặc biệt mới đây, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đi qua Nghệ An hoàn thành nằm giáp với địa bàn thành phố, kết nối với Quốc lộ 46, Quốc lộ 46B, đường Đặng Thai Mai rất thuận lợi cho người dân lưu thông ra cả nước.

Bên cạnh đó, việc thông xe đại lộ Vinh - Cửa Lò, đại lộ lớn nhất thành phố dài gần 10 km, là một dấu ấn khẳng định hệ thống giao thông ở đô thị Vinh đã kết nối liên hoàn các trục, đi lại thuận lợi và tạo điều kiện quan trọng hợp nhất hai đô thị lớn là thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò.

bna- lan
Đại lộ Vinh - Cửa Lò đã thông xe vào cuối tháng 8/2024. Ảnh: Trân Châu

Trong tương lai khi rộng không gian về phía Đông, thành phố Vinh có thêm lợi thế đường ven biển chạy dọc thị xã Cửa Lò kết nối với đường Bình Minh của thị xã và với đại lộ Vinh - Cửa Lò.

Thành phố còn có đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài chạy thẳng xuống sông Lam dài 6,3 km, đi qua khu đô thị lớn nhất của thành phố là Ecopark với 200 ha. Đây cũng là tuyến giao thông vô cùng quan trọng và mới mẻ của thành phố kết nối Vinh với Cửa Lò, Vinh với Hà Tĩnh. Khi đại lộ Vinh - Cửa Lò và đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài hoàn thành sẽ tạo thêm quỹ đất mới hai bên tuyến, thu hút nhiều dự án đầu tư và tạo giá trị sinh lợi cho khu vực phía Đông thành phố.

Nâng cấp, cải tạo giao thông nội thị

Năm 2024, đánh dấu một thành công nữa của thành phố khi đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài được giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Đường Hải Thượng Lãn Ông ban đầu chỉ rộng 5-6m, sau khi nâng cấp, đầu tư sẽ là tuyến đường 2 làn xe, rộng 24m, trong đó bề rộng mặt đường 12m, vỉa hè 2 x 6m, mặt đường thảm nhựa. Có thể nói đây đã trở thành khu đất vàng mới của thành phố.

Đường Lý Thường Kiệt kéo dài mới được thông tuyến. Ảnh Trân Châu
Đường Lý Thường Kiệt kéo dài mới được thông tuyến. Ảnh: Trân Châu

Đường Lý Thường Kiệt kéo dài cũng vừa được hoàn thành với 1,06km. Tuyến đường hóc búa về giải phóng mặt bằng của thành phố đã hoàn thành, nối ngã tư giao với đường Lê Lợi về đường Nguyễn Văn Cừ, quy mô rộng 24m, tạo nên trục giao cắt mới, phố phường như khác hẳn, đặc biệt giảm ùn tắc giao thông như trước đây.

Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ mới được chỉnh trang, nâng cấp khang trang hiện đại trong năm 2023 bây giờ kết nối với đường Lý Thường Kiệt kéo dài, tạo không gian nội đô thoáng đạt, quy củ. Từ hệ thống giao thông được cải thiện, kéo theo sự phát triển của thương mại dịch vụ, các quán cà phê, các nhà hàng, siêu thị, trung tâm giải trí… tạo thêm việc làm cho nhân dân và diện mạo đô thị thêm khởi sắc.

Mạng lưới giao thông nội thị hiện đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông xi măng với mật độ đường giao thông đạt 12km/km2. Đối với các xã nằm xa trung tâm thành phố như Nghi Đức, Hưng Đông… các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng được nâng cấp, mở rộng lòng đường, vỉa hè, cây xanh, hạ tầng thoát nước, chiếu sáng khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của người dân. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục cải tạo đường Lê Nin, đường Lê Hồng Phong, hệ thống thoát nước ở một số trục phố nhằm hoàn chỉnh dần cơ sở hạ tầng vùng nội đô...

bna- Nguyễn Văn Cừ mới chính trang
Đường Nguyễn Văn Cừ (thành phố Vinh) được chỉnh trang với diện mạo hiện đại. Ảnh: Trân Châu

Thành phố Vinh hiện có 3 bến xe, gồm Bến xe Bắc Vinh (xã Nghi Kim), Bến xe Nam Vinh (gần cầu Bến Thủy II), Bến xe phía Đông (xóm 3, xã Nghi Phú). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe du lịch đảm bảo nhu cầu gửi xe, tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu tránh ùn tắc giao thông mỗi khi có ngày lễ, tết.

Hệ thống giao thông công cộng của thành phố hiện có 16 tuyến xe buýt vào hoạt động như: tuyến 01 - cầu Bến Thủy đến thị xã Cửa Lò, tuyến 03 - cầu Bến Thủy đi huyện Đô Lương; tuyến 04 - TP. Vinh đi thị xã Hoàng Mai, các tuyến đi các huyện Con Cuông, Anh Sơn... Trung bình mỗi ngày có khoảng 250 chuyến xe buýt từ thành phố Vinh đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. Về giao thông đường sắt, ga Vinh là một ga lớn và quan trọng trên hành trình Bắc - Nam, tất cả các chuyến tàu trên cả nước đều dừng đón và trả khách tại ga Vinh.

Ga Vinh có diện tích 16.500 m2 trên địa bàn xã Hưng Đông và phường Quán Bàu. Ngoài các chuyến tàu Thống Nhất, ga Vinh còn tàu từ Vinh đi miền Bắc là NA1, NA2 và đi miền Trung là VQ1, VQ2.

Đường Nguyễn Văn Cừ (thành phố Vinh) được chỉnh trang với diện mạo hiện đại. Ảnh: Trân Châu
Đường Nguyễn Văn Cừ (thành phố Vinh) được chỉnh trang với diện mạo hiện đại. Ảnh: Trân Châu

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao, theo đó dự kiến bố trí 1 nhà ga đường sắt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên nằm tiếp giáp với thành phố Vinh, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách tham quan du lịch.

Lãnh đạo sân bay Vinh cho biết: Sân bay Vinh là sân bay quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá trong nước và cả quốc tế (trước có các chuyến đi Thái Lan, Lào, hiện có chuyến Đài Loan, một tháng 2 chuyến), mỗi ngày có 16-17 chuyến bay một ngày.

Hiện nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư thực hiện dự án mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Vinh có tổng mức đầu tư 233,6 tỷ đồng. Theo quy hoạch hệ thống Cảng hàng không Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh có quy mô, cấp sân bay 4E với tổng diện tích 557 ha, công suất thiết kế phục vụ 8 triệu lượt hành khách/năm, lớn thứ 4 trong số 14 cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam.

tu liêu
Khảo sát đầu tư mở rộng sân bay Vinh. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Ông Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND thành phố Vinh, cho biết: Trung ương đã xác định xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế- văn hoá vùng Bắc Trung Bộ, là động lực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây, ngày 16/7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là những cơ sở pháp lý quan trọng cho thành phố.

Thành phố Vinh sẽ triển khai thực hiện các Nghị quyết trên theo lộ trình để từng bước đạt được các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển, các tuyến đường mở rộng không gian đô thị; cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông nội thị.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, chỉnh trang đô thị và các dịch vụ công cộng; phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh. Từng bước ngầm hóa hệ thống đường dây, cáp truyền tải điện, thông tin liên lạc; hoàn thiện mạng lưới cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường. Từng bước xây dựng và phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị thông minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn...

Nguồn Baonghean.vn

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

content:

Thời tiết