UBND tỉnh thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh

Thành lập 04 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 04 xã Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức hiện có.
content:

Trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3/2023 diễn ra vào sáng ngày 23/3, UBND tỉnh đã thông qua dự thảo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh và thành lập các phường thuộc thành phố Vinh. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh

Theo dự thảo Đề án, sẽ điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò về thành phố Vinh quản lý. Đồng thời, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của 04 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý.

Thành phố Vinh sau khi điều chỉnh có 166,24 km2 diện tích tự nhiên (đạt 110,83% theo quy định), dân số 575.718 người (đạt 383,81% theo quy định); có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 27 phường (Bến Thủy, Cửa Nam, Đội Cung, Đông Vĩnh, Hà Huy Tập, Hồng Sơn, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Phúc, Lê Lợi, Lê Mao, Quán Bàu, Quang Trung, Trung Đô, Trường Thi, Vinh Tân, Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Thủy, Nghi Tân) và 09 xã (Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Hưng Chính, Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên).

Vùng quy hoạch đô thị Vinh sau điều chỉnh phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Phát triển độc lập nhưng kết nối đồng bộ 3 khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên; Cửa Lò; Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam. Kết nối mềm giữa các khu vực đô thị là không gian nông nghiệp - nông thôn mới và không gian thiên nhiên ven sông Lam, nhằm bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch, gắn kết các khu danh thắng, di tích lịch sử văn hóa của vùng phụ cận.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang báo cáo dự thảo Đề án

Tiếp đó, UBND tỉnh đã cho ý kiến và thống nhất thông qua Dự thảo Đề án công nhận đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Theo dự thảo Đề án, thị trấn Đô Lương (mở rộng) có quy mô diện tích khoảng 7.930,0 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Thị trấn Đô Lương hiện hữu và các xã Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn và một phần diện tích các xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn.

Đô thị Đô Lương là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, du lịch, công nghiệp của huyện Đô Lương và vùng phụ cận, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đô Lương, là vùng lõi trung tâm khi huyện Đô Lương trở thành thị xã. Là điểm kết nối giao thông Đông, Tây, Nam, Bắc liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Khu kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An.

Cũng tại phiên họp, UBND tỉnh đã thống nhất thông qua Dự thảo Chương trình phát triển đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương đến năm 2030.

Tác giả: Thúy - Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

content:

Thời tiết